Bản tin Covid-19 ngày 13.7: Thêm 1.797 ca bệnh, TP.HCM “gỡ vướng” khi áp dụng Chỉ thị 16

13/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 13.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 13.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước vẫn ghi nhận hàng ngàn ca bệnh mới

Bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế tối 13.7 cho biết cả nước có thêm 852 ca mắc Covid-19, trong đó riêng TP.HCM chiếm nhiều nhất với 546 ca. Tổng số ca mắc được công bố trong ngày 13.7 là 2.301 ca. Trong ngày cũng có 222 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 13.7: Cả nước 2.301 ca Covid-19, riêng TP.HCM tới 1.797 bệnh nhân

Thông tin cụ thể về 2.301 ca mắc mới được công bố trong ngày 13.7 như sau:
+ 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (4), Thanh Hóa (1).
+ 2.296 ca ghi nhận trong nước; trong đó 2.095 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cụ thể: TP.HCM (1.797 ca), Bình Dương (186), Long An (130), Đồng Tháp (31), Bà Rịa - Vũng Tàu (27), Phú Yên (26), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Bến Tre (11), Hà Nội (8 ), Hưng Yên (8 ), Tây Ninh (5), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Quảng Ngãi (2), Bình Thuận (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Nghệ An (1), Lào Cai 1), Bình Phước (1), Thanh Hóa (1).
Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 34.500 bệnh nhân Covid-19; trong đó 32.555 ca ghi nhận trong nước và 1.945 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 30.985 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 9.553 ca.

Ngày 13.7: TP.HCM thêm 1.797 ca Covid-19, với 113 ca đang điều tra dịch tễ

Bộ Y tế đồng ý cho TP.HCM cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà

Theo thống kê từ các bản tin Covid-19 sáng, trưa và tối 13.7 của Bộ Y tế, TP.HCM vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều cả nước với 1.797 ca bệnh; chiếm khoảng 78% tổng số ca bệnh trong ngày của cả nước.
Tổng số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tính từ đầu dịch (được Bộ Y tế công bố) đã lên đến 16.892 bệnh nhân (chiếm khoảng 49% tổng số bệnh nhân cả nước kể từ đầu dịch).
1.797 ca Covid-19 tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố ngày 13.7 là các ca bệnh gồm từ BN32391 đến BN32665, từ BN32674 đến BN32680, từ BN32770 đến BN33648 và từ BN33955 đến BN34500 trong đó:
- 1.684 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa
- 113 ca đang điều tra dịch tễ.
Chiều 13.7.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM đã có đề xuất thí điểm cách ly F0 tại nhà
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết với tư cách là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, ông đã đồng ý với đề xuất này vì đây là một đề xuất hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ giao Cục quản lý Khám, chữa bệnh ban hành hướng dẫn chi tiết cách ly F0 tại nhà và sẽ ban hành sớm.

Bộ Y tế đồng ý chủ trương cho TP.HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, phương án dự kiến là sau khi F0 điều trị tại bệnh viện từ 10 - 14 ngày, không có triệu chứng sẽ cho về cách ly tại nhà tương tự như F1, và phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất.
Về đối tượng áp dụng, ban đầu có thể sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, y tế địa phương theo dõi trực tiếp sức khỏe F0, khi F0 có những triệu chứng báo động về y tế thì phải được đưa cấp cứu, điều trị kịp thời…

Thầy hiệu phó ở Tiền Giang qua đời vì Covid-19

Sáng ngày 13.7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết bệnh nhân Covid-19 tên L.T.L. (41 tuổi) đã tử vong tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Tiền Giang vào 0 giờ 30 phút sáng nay (13.7). Thi thể của bệnh nhân đã được chôn cất vài giờ sau đó vì hầu hết người thân trong gia đình bệnh nhân vẫn đang được cách ly, điều trị Covid-19.
Ông L.T.L. là thầy giáo, có hộ khẩu thường trú tại P.10, TP.Mỹ Tho. Đây là bệnh nhân lây nhiễm từ ổ dịch khởi phát từ một số nhân viên ngân hàng - ổ dịch đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho khởi tố vụ án “làm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng”. Hiện ổ dịch này đã có 21 ca nhiễm Covid-19 và có 1 trường hợp tử vong là bệnh nhân L.
Trước đó, vào sáng 27.6, ông L. được test nhanh Covid -19 tại Trung tâm Y tế TP.Mỹ Tho với kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó cơ quan chuyên môn của TP.Mỹ Tho tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PT-PCR của ông L. cùng vợ và 2 người con.
Kết quả cả gia đình 4 người đều dương tính với Covid-19 và đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Tiền Giang.
Được biết trước khi thầy L. nhiễm Covid-19 thì có bệnh viêm họng hạt mãn tính.
 

Thầy hiệu phó trẻ tuổi ở Tiền Giang nhiễm Covid-19 qua đời, vắng người thân bên cạnh

TP.HCM thay đổi hình thức kiểm tra ở 310 chốt kiểm soát Covid-19

Sáng 13.7, lãnh đạo nhiều đội CSGT - TT Công an quận, huyện cho biết, các chốt kiểm soát người dân ra đường không lý do của các quận, huyện đã được giải tán hết.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo đội CSGT - TT Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, các chốt kiểm soát người dân ra đường không lý do theo Chỉ thị 16 trên toàn quận đã được giải tán vào sáng 13.7.
Lãnh đạo đội CSGT - TT Công an Q.Bình Thạnh cũng cho hay, theo yêu cầu, toàn bộ chốt kiểm soát của các quận, huyện được yêu cầu giải tán.
Trong khi đó, lãnh đạo đội CSGT - TT Công an Q.3 cho biết, theo chỉ đạo của cấp trên, từ sáng 13.7, giải tán các chốt kiểm soát.
Thay vào đó, các đội CSGT sẽ có các tổ công tác lưu động trên đường để kiểm tra người dân ra đường không lý do và xử lý vi phạm trên đường. Trong quá trình tuần tra, CSGT sẽ kiểm tra ngẫu nhiên người dân đang lưu thông. Nếu người dân không trình bày, chứng minh được lý do ra đường là cần thiết thì bị phạt 1 - 3 triệu theo quy định của Nghị định 117.
Riêng 12 chốt kiểm soát của Công an TP.HCM ở khu vực cửa ngõ vẫn được duy trì để kiểm soát người dân ra, vào TP. Người dân khi qua các chốt cửa ngõ phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM dừng toàn bộ 310 chốt kiểm soát Covid-19 nội thành ở tất cả các quận, huyện

Bất ngờ vì chốt kiểm soát Covid-19 ở Gò Vấp cho đi lại thoải mái

Theo ghi nhận, sáng 13.7.2021, các điểm chốt kiểm soát Covid-19 ở địa bàn Q.Gò Vấp (TP.HCM) tạm dừng việc kiểm tra lý do ra đường của người dân, vì vậy không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Vị trí chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Nguyễn Kiệm đã dời về gần cầu vượt Nguyễn Oanh. Lực lượng chức năng cũng tạm dừng việc kiểm tra để chờ chỉ đạo mới từ UBND Q.Gò Vấp. Vì vậy, người dân vẫn thoải mái di chuyển khi qua đoạn đường này.
Tại chốt Nguyễn Kiệm vào buổi sáng 12.7 đã xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ. Dòng xe đổ tới cùng một thời điểm quá đông nên lực lượng trực vất vả kiểm tra, điều tiết. Đáng chú ý, đây là đường một chiều, người dân khi không được qua chốt bị buộc quay đầu cũng phải loay hoay không biết xử lý thế nào vì đường quá đông.
Vào sáng 13.7, tại các điểm chốt khác trên đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị của Q.Gò Vấp cũng có rất nhiều phương tiện di chuyển tuy nhiên lực lượng chức chưa tiến hành việc kiểm tra di do ra ngoài của người dân nên không có tình trạng ùn ứ.

Bất ngờ vì chốt kiểm soát Covid-19 ở Gò Vấp cho đi lại thoải mái

Siêu thị Emart Gò Vấp bất ngờ đóng cửa

Sáng 13.7, siêu thị Emart Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thông báo tạm đóng cửa để xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên. Nhiều người đến siêu thị nhận được thông báo liền quay xe tìm chỗ mới để mua thực phẩm, có người lại đứng đợi phía trước.
Có mặt trước cổng siêu Emart Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thị lúc 10 giờ 30 phút hôm nay 13.7, PV ghi nhận cổng siêu thị đã khép lại, phía trước có dán thông báo tạm thời siêu thị đóng cửa. 3 nhân viên bảo vệ đứng trước cổng liên tục thông báo trên loa: “Vì sự an toàn của quý khách hàng, toàn thể nhân viên sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm tra. Chúng tôi sẽ cố gắng mở cửa trong thời gian sớm nhất. Kính mong quý khách hàng thông cảm cho sự bất tiện này”.
 

Siêu thị Emart Gò Vấp bất ngờ đóng cửa, xét nghiệm Covid-19 toàn bộ nhân viên

Loay hay giao nhận hàng trước chốt kiểm soát Covid-19 Thủ Đức

Tối 12.7, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã có văn bản thông báo phong tỏa địa bàn phường Bình Chiểu từ 0 giờ ngày 13.7 cho đến khi có thông báo mới.
Phường Bình Chiểu có diện tích hơn 541 hecta gồm 6 khu phố với 7 tổ dân phố. Trong thời gian phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa trừ trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác; đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách người với người và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty.
Ngay sau khi phong tỏa, sáng 13.7, trên một đoạn Tỉnh lộ 43 có đến 2 chốt phong tỏa, một ở chân cầu vượt Gò Dưa, một ở gần giao lộ với đường Ngô Chí Quốc.
Chính vì vậy mới có chuyện nhiều người giao hàng không được vào phải đứng chờ ở phía chốt cầu vượt Gò Dưa. Người bên trong thì không thể ra vì mắc ở chốt gần đường Ngô Chí Quốc.

“Dở khóc dở cười” ở đoạn đường 200 mét có 2 chốt phong tỏa Covid-19

Nhật Bản tiếp tục tài trợ 1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Việt Nam

Sáng 13.7.2021, Bộ Y tế cho biết, Nhật Bản sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam.
Đây là lô vắc xin thứ tư mà Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam và dự kiến sẽ được chuyển từ Nhật Bản về đến Sân bay Tân Sơn Nhất vào rạng sáng 16.7.2021
Từ tháng 6.2021 đến nay, Nhật Bản đã tài trợ và cam kết tài trợ không hoàn lại cho Việt 3 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, chia ra làm 4 đợt vận chuyển.
Tính đến sáng 13.7 Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.063.872 liều vắc xin phòng Covid-19, riêng ngày 12.7, đã có thêm 15.901 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Trong số hơn 4 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người dân, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.

Nhật Bản tiếp tục tài trợ 1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Việt Nam

Việt Nam đề nghị Israel chuyển nhượng vắc xin Covid-19 đã ký với AstraZeneca và Moderna

Ngày 12.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Nhà nước Israel Naftali Bennett. Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ông Naftali Bennett được bầu làm Thủ tướng Nhà nước Israel, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ông Naftali Bennett, nhân dân Israel sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hai bên sớm kết nối, cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển vắc xin cũng như các giải pháp điều trị khác; đặc biệt ưu tiên hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 nhanh nhất thông qua tất cả các hình thức hợp tác có thể, nhất là việc Israel tạo điều kiện chuyển nhượng lại số vắc xin mà nước này đã ký với AstraZeneca và Moderna.
Thủ tướng Israel bày tỏ nhất trí cao với những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đề nghị giao các bộ, ngành hai nước triển khai nội dung hai thủ tướng đã trao đổi, nhất là hợp tác trong lĩnh vực vắc xin phòng Covid-19, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.

Việt Nam đề nghị Israel chuyển nhượng vắc xin Covid-19 đã ký với AstraZeneca và Moderna

Tâm sự những bác sĩ gác chuyện gia đình xung phong vào tâm dịch Covid-19

Sáng 13.7.2021, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ TP.HCM điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 ở khu tái định cư An Khánh, thành phố Thủ Đức.
Trong số 90 nhân viên y tế lên đường vào tâm dịch để điều trị bệnh nhân Covid-19 lần này, có nhiều người đã từng tham gia các đợt hỗ trợ TP.HCM chống dịch như chiến dịch tiêm vắc xin đợt 4, chiến dịch cao điểm lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 diện rộng vào cuối tháng 6.2021 vừa qua.
Trong số các thầy thuốc lên đường, có những người mẹ, người vợ, người con, nhiều người là trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, khi dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên địa bàn thành phố, họ nghe theo tiếng gọi của trái tim để xung phong lên đường vào tâm dịch với mong muốn góp sức đẩy lùi dịch bệnh, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều người trong số họ phải gửi gắm chuyện gia đình lại cho người thân để lên đường.

Nữ bác sĩ gác chuyện gia đình xung phong vào tâm dịch Covid-19

Trạm trung chuyển chợ đầu mối Thủ Đức vắng vẻ giữa đêm Covid-19 nóng bỏng

UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) có công văn khẩn về phương án điều tiết, phân luồng để trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức) nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. 2 bãi xe container trong khuôn viên chợ (diện tích 2 bãi xe khoảng 16.500 m2) được lấy làm trạm trung chuyển hàng hóa từ ngày 11.7.
Vào khoảng 20 giờ ngày 12.7, các xe tải chở hàng đã bắt đầu vào điểm trung chuyển tại chợ đầu mối Thủ Đức). Phía bên trong chợ treo thông báo “Người đến giao dịch mua bán phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực”, lực lượng bảo vệ túc trực kiểm tra giấy tờ xe tải ra vào chợ và cấm không cho xe máy và xe ba gác vào bên trong chợ.
Đối với tài xế xe tải, thương nhân và bốc xếp hàng hóa, trước khi vào điểm trung chuyển hàng hóa bảo vệ sẽ kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Nếu giấy xét nghiệm còn hiệu lực, bảo vệ sẽ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế và ghi lại thông tin để đối chiếu với danh sách đã đăng ký trước, nếu trùng khớp thì mới được vào bên trong.
Sau khi vào bên trong, hàng hóa sẽ được bốc xếp lên xe nhận hàng và chở đi ngay, không ở lại lâu trong trạm trung chuyển. Còn tài xế lái xe được yêu cầu ngồi yên trên xe, giao nhận hàng xong sẽ lái xe đi ngay lập tức.
 

Trạm trung chuyển chợ đầu mối Thủ Đức vắng vẻ giữa đêm Covid-19 nóng bỏng

Mở “quầy hàng 0 đồng” trong bệnh viện giúp thầy thuốc yên tâm chống dịch

Việc giãn cách xã hội, không tập trung đông người ở các siêu thị, nơi công cộng khiến người dân gặp ít nhiều nhiều khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng nhân viên y tế phải túc trực, chống dịch trong bệnh viện từ sáng đến tối khuya thì việc tìm mua lương thực, thực phẩm cho gia đình càng khó khăn hơn.
Thấu hiểu được những khó khăn mà lực lượng nhân viên y tế đang gặp phải, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức “quầy hàng 0 đồng” để hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm miễn phí cho cán bộ, đoàn viên, hội viên.
 

Mở “quầy hàng 0 đồng” trong bệnh viện giúp thầy thuốc yên tâm chống Covid-19

Chương trình “Quầy hàng 0 đồng” phục vụ các mặt hàng gồm: Thịt heo, cá, trứng, mì gói, rau xanh, sữa, bánh mì, trái cây, nước tương, nước mắm… Những người được phục vụ là cán bộ, đoàn viên, hội viên trong thời gian TP.HCM triển khai thực hiện Chỉ thị 16 và tham gia trực làm việc tại bệnh viện.
Chương trình “quầy hàng 0 đồng” dự kiến sẽ tổ chức 10 phiên với số lượng 300 suất quà mỗi phiên, tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của bệnh viện, các tổ chức quần chúng đóng góp và vận động mạnh thường quân.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 13.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.