Tôi viết từ Rome, thủ đô Ý. Ý hiện đứng thứ hai sau Trung Quốc về số người mắc Covid-19. Tính đến sáng 13.3, Ý có 15.113 ca nhiễm Covid-19 với 1.016 người đã tử vong.
Ý có chủ quan với dịch bệnh không?
Hai bệnh nhân đầu tiên ở Ý được phát hiện ngày 30.1, là 2 khách du lịch Trung Quốc, qua đêm ở ngay trung tâm Rome. Ngay lập tức người Ý lo lắng, hàng loạt quán xá Trung Quốc phải đóng cửa. Ý tiến hành cách ly mọi người trở về từ Vũ Hán. Ý tuyên bố tạm thời ngừng mọi chuyến bay với Trung Quốc từ ngày 30.1.
Số ca nhiễm của Ý đã tăng vọt từ hàng trăm lên hàng ngàn chỉ trong vòng 2 tuần.
Một bệnh viện thành phố đã ghi nhận rất nhiều ca viêm phổi ngay trước đó. Đúng vào thời kỳ cúm và viêm phổi hàng năm nên có thể nhiều người đã bị nhiễm Covid-19 mà không biết và không được kiểm tra.
Tôi thấy Ý phản ứng nhanh. Ngày 22.2 báo động với con số hơn 70 bệnh nhân dương tính. Ngay sáng 23.2 (chủ nhật), Ý đã ra lệnh cấm học sinh sinh viên không được bay ra nước ngoài theo các chuyến trường tổ chức.
Các trường học ở miền Bắc nhanh chóng đóng cửa. Các trường học của cả nước cũng nhanh chóng đóng cửa. Phong tỏa miền Bắc khi con số bệnh nhân tăng cao. Phong tỏa toàn nước Ý từ 10.3, 3 tuần sau khi phát dịch.
Một số chuyên gia cho rằng virus đã vào Ý trước khi chính phủ phát hiện và có biện pháp, và những người ủ bệnh đã có thời gian dạo chơi trong dân chúng. Nhiều người mắc không thể hiện triệu chứng. Nếu không liên quan tới tới Vũ Hán hay Trung Quốc thì cũng không dễ được kiểm tra Covid-19.
Mặt khác, giới chuyên gia giải thích vì Ý có dân số già nên có nhiều người lớn tuổi tử vong vì Covid-19. Số liệu tính tới năm 2018, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tại Ý chiếm 22,6% tổng dân số, nhiều hơn bất cứ nước nào trong Liên minh Châu Âu (EU). Trong tổng số 463 người tử vong, có tới 88% là người từ 75 tuổi trở lên và 10% trong độ tuổi 60. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy nhiều ca tử vong là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý khác trước khi nhiễm Covid-19.
Nền y tế nhân đạo và đầy nỗ lực
Y tế cộng đồng của Ý có kém không? Tôi cho là không kém vì tuổi thọ cao, dân số già là một biểu hiện của chăm sóc y tế tốt.
Qua trải nghiệm cá nhân, tôi thấy hiếm nước nào chăm sóc y tế nhân đạo và miễn phí hay rất ít chi phí như Ý. Hoàn toàn không phải để mặc không tiếp nhận nếu không có tiền chi trả.
|
|
Lần đầu đến Rome, là khách du lịch, là người nước ngoài, con ốm, tôi mang con vào viện Bambini Giesu. Vào thẳng cửa cấp cứu, được bác sĩ tiếp ngay, khám, cho thuốc và không mất xu nào! Tốt tới choáng váng!.
Khi đã ở Rome, con tôi mắc bệnh nặng do một loại virus tấn công làm thiếu chất đông máu. Thử máu, sau vài giờ có kết quả, bác sĩ ở trung tâm test gọi điện bắt vào viện ngay. Ôm con tới khoa cấp cứu ở bệnh viện công gần nhất cạnh nhà. Ở viện 9 ngày cả mẹ cả con, khám chữa ăn uống nằm giường, phục vụ đầy đủ. Lúc ra lại không phải thanh toán. Tôi bất ngờ lặng người, chỉ biết tặng quà cho bệnh viện và nhân viên!
Ý nhiều bệnh viện, bệnh viện công rất rẻ, dĩ nhiên phải chờ đợi lâu nếu tình trạng không khẩn cấp. Bệnh viện tư, bác sĩ tư cũng nhiều, thích thì được chiều nhanh gọn và tốn nhiều tiền. Nhu cầu nào cũng có, tùy túi mà xài. Tuy về mặt dịch vụ nói chung, châu Âu không thể ngon, bổ, rẻ, nhanh nhẹn như Việt Nam nhưng Ý chăm sóc y tế đầy đủ và nhân đạo. Không ai phải sợ ở Ý mà chết vạ ngoài đường. Ngược lại, nền y tế Ý là thể hiện của nguyên tắc nhân ái.
Người Ý đang rất ý thức trước dịch
Mọi người thường chê trách người phương Tây chủ quan không đeo khẩu trang. Nhưng đơn giản, ở châu Âu không có đủ nguồn cung ứng để mua khẩu trang. Vốn bình thường không ai đeo nên rất ít bán, tới dịch lại càng khan hiếm.
Dân làm đúng khuyến cáo của chính phủ và của WHO là đeo khi có bệnh và trong những trường hợp cần thiết, còn để dành khẩu trang cho nhân viên y tế.
Tôi không bàn tới khía cạnh dân châu Âu quan niệm thế nào về khẩu trang hay về việc đeo khẩu trang. Tôi chỉ nhấn mạnh, trong mọi trường hợp họ không thể có đủ khẩu trang để đeo thường xuyên. Họ cũng không chống lệnh hay chống khuyến cáo chính thức nào về bệnh dịch. Ai đeo khẩu trang có thể bị né tránh, cũng là tâm lý tránh bệnh thường tình, vì thường người bị bệnh ho hắng mới đeo.
Kỳ thị kiểu tấn công hay hăm dọa người đeo khẩu trang, nhất là người châu Á, là những trường hợp cá biệt và bị lên án.
Đúng là dân chúng cư xử bình thản, ít lo lắng hơn Việt Nam nhiều. Nhưng trong dân chúng bất cứ nước nào cũng sẽ có bộ phận chủ quan và không chủ quan. Sự vô trách nhiệm với dịch, nghĩa là biết mình có thể đã bị bệnh mà vẫn đi lại tiếp xúc thoải mái, thì cũng không có chứng cứ nào chỉ ra được người phương Tây cư xử vô trách nhiệm.
Từ khi có lệnh phong tỏa toàn quốc, các điểm mua bán đều tổ chức rất trật tự. Dân chúng không náo loạn, tuân thủ khoảng cách hơn 1m với nhau, ít ra đường. Tôi thấy dân Ý chấp hành rất ý thức.
Tóm lại, việc bùng dịch có rất nhiều yếu tố khách quan, hoàn cảnh. Trong trường hợp của Ý, tôi thấy không phải vì cách ăn ở mà phải chịu hậu quả xấu...
Thiên tai, đại dịch xảy ra, cái cần làm là mỗi người làm tốt nhất trong mức có thể. Nhân ái, lạc quan, vui vẻ cũng làm tăng sức đề kháng. Có bị hạn chế ở nhà thì cũng không ai cấm ta tự thể dục thể thao. Cứ giữ khoảng cách hơn 1m với đồng bào và rửa tay, với bồi bổ cái hay cho con tim con mắt.
Việt Nam ta đang kiềm dịch rất tốt. Hãy gửi lời chúc mong Ý vượt cơn gian khó này. Đại dịch đã lan toàn thế giới, thì chỉ có chung tay mới qua. Giúp dập tắt lửa nhà hàng xóm, là giúp nhà ta.
Bình luận (0)