Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh (33 tuổi), hiện làm việc tại Trường ĐH California, Davis (Mỹ), cho biết : Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần loại con người ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp, đưa xã hội hướng tới nền kinh tế tri thức và một xã hội thông tin. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, Việt Nam chưa theo kịp thế giới.
Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Tiến sĩ Thúy Anh chỉ ra nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới như kỹ thuật số và công nghệ thông tin, tự động hóa, vật lý và khoa học vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học... Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu vắng các doanh nghiệp công nghệ, nơi có thể chuyển hóa các tri thức, tích hợp với các kỹ thuật hiện có và nhu cầu của thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, sản phẩm mới, đặc biệt là thiếu doanh nghiệp trong nước.
Tiến sĩ Thúy Anh đề xuất: “Việt Nam cần lựa chọn nghiên cứu những lĩnh vực khoa học, ngành nghề mang tính chủ lực để có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế để tập trung phát triển, từ đó kéo nền kinh tế đi lên. Song song đó là tích cực nâng cao năng lực phát triển công nghệ nội sinh, tiến hành đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ. Thêm một vấn đề đặc biệt quan trọng là nâng cao nguồn nhân lực khoa học công nghệ, tăng cường kết nối, thu hút nhân tài và cần nhiều doanh nghiệp công nghệ”.
Chị Châu Thị Nhiên, nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách phát triển khoa học công nghệ trong tương lai. Hình thành đơn vị tiếp nhận tiến bộ khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến và làm công tác chuyển giao, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ đến những nơi có nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất”.
Cũng theo chị Nhiên, Nhà nước cũng cần có cơ chế đặc biệt cho các trường đại học trọng điểm của vùng, xây dựng các chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo từng giai đoạn cụ thể.
Liên quan đến ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Bùi Bảo Thịnh, nghiên cứu sinh của ĐH Tổng hợp Liên Bang Viễn Đông (Liên bang Nga), nhấn mạnh: “Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa mạnh do chưa được áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào trong sản xuất. Và chúng ta có thể phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao từ kinh nghiệm của Israel”.
Để ngành nông nghiệp của Việt Nam có thể phát triển mạnh thì chúng ta có thể học hỏi theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Israel mà họ đã áp dụng thành công. “Đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ mới trong trồng trọt, áp dụng công nghệ xử lý nước trong việc tưới cho cây trồng....”, anh Thịnh nói.
Bình luận (0)