Việt Nam có thể trở thành 'nồi cơm Thạch Sanh' của thế giới?

Chí Nhân
Chí Nhân
19/10/2023 13:45 GMT+7

Năm 2023 có thể gọi là năm lịch sử của ngành lúa gạo VN khi chúng ta đạt được mức giá cao nhất, xuất khẩu nhiều nhất và vị thế trên bản đồ lương thực thế giới được củng cố vững chắc nhất.

Ngày 9.9.2022, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo trắng, ngoại trừ gạo Basmati. Ngay sau đó không lâu, Nga và UAE cũng tạm ngừng xuất khẩu gạo làm cho thị trường càng thêm nóng. Các chuyên gia quốc tế ước tính, nguồn cung toàn cầu thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn. Mọi ánh mắt trên thị trường gạo quốc tế đều hướng về hai nguồn cung quan trọng là Thái Lan và VN. Và chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội này.

Lợi thế độc nhất của "vựa lúa" VN

Đến giữa năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và cả Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đều khẳng định, sản lượng gạo trong nước khó đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn. Nguyên nhân là do cuối năm 2022 xuất khẩu tốt, không có lượng hàng tồn kho nhiều như những năm trước. Mặt khác, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ phục vụ cho chế biến các sản phẩm ăn liền bị hạn chế nên phải sử dụng gạo nội địa. Vì thế, VFA dự báo lượng gạo xuất khẩu cả năm của VN chỉ đạt khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn.

VN vẫn nên tập trung vào chiến lược nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo 

CÔNG HÂN

Tuy nhiên, khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo trắng, Bộ NN-PTNT quyết định tăng diện tích sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL thêm 50.000 ha, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế giới. "VN vẫn có thể xuất khẩu đến 8 triệu tấn gạo, trong nước không lo thiếu", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khẳng định. 

Sở dĩ VN có thể ngay lập tức tăng sản lượng gạo là bởi so với nhiều nơi khác trên thế giới, ĐBSCL có một ưu thế "độc nhất vô nhị". Nếu các nước chỉ sản xuất được một vụ lúa mỗi năm, có một số nơi thêm một vụ phụ, thì ĐBSCL có thể sản xuất quanh năm. Không lúc nào trên những cánh đồng ở miền châu thổ sông Cửu Long không có lúa đang thu hoạch. Việc sản xuất quay vòng biến vùng đất này trở thành kho dự trữ lúa gạo một cách tự nhiên và an toàn cho người dân trong nước. Nhiều người ví von lúa gạo miền Tây "như nồi cơm Thạch Sanh", ăn hoài cũng không hết. Nhờ lợi thế tự nhiên đặc biệt này mà VN có thể dễ dàng điều chỉnh mùa vụ, tăng sản lượng gạo xuất khẩu để phục vụ nhu cầu lương thực thế giới tăng cao.

Thực ra ngay khi giá lúa gạo tăng cao, nhiều nông dân cũng tranh thủ thu hoạch lúa hè thu để xuống giống vụ thu đông cho "kịp thị trường". Ông Nguyễn Thành An, một nông dân sản xuất lớn ở huyện Tri Tôn (An Giang), nhiều năm qua chỉ làm lúa 2 vụ, sau đó bỏ đất trống đón lũ tràn đồng bồi đắp phù sa cho ruộng. Nhưng năm nay lúa tốt giá, ông tranh thủ làm lúa vụ 3. Nhiều người dân vùng đất cuối nguồn sông Cửu Long cũng như ông An, lựa theo thị trường sản xuất nhiều lúa gạo hơn để đáp ứng nhu cầu của thế giới, trả ơn những hạt phù sa hàng ngàn năm qua bồi đắp nên đồng bằng này.

Năng lực sản xuất lúa gạo của VN đã không ít lần gây ngạc nhiên cho bạn bè quốc tế. Từ một nước phải nhập khẩu gạo, VN đã nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, từ thiên về số lượng, gạo Việt đã từng bước được đánh giá cao về chất lượng, trong đó phải kể đến danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Thực chất, giá gạo xuất khẩu của VN những năm gần đây cũng ở mức cao, nhiều thời điểm giá gạo 5% tấm đạt mức cao nhất thế giới.

Nhưng phải đến cơn biến động gạo lần này, VN một lần nữa lại cho thấy vai trò của mình trên bản đồ lương thực thế giới. Tại thời điểm cuối tháng 8.2023, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy VN xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong tháng, thu về hơn nửa tỉ USD; nâng tổng số gạo VN xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2023 lên gần 5,9 triệu tấn, vượt xa so với Thái Lan là 5,3 triệu tấn. Trong giai đoạn nguồn cung gạo cao điểm khan hiếm, việc VN xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo/tháng đã góp phần giảm nhiệt cơn sốt giá và giảm áp lực an ninh lương thực toàn cầu. "Khi các con số xuất khẩu gạo trong tháng 8 của VN được công bố, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan khá bất ngờ và hỏi tôi rằng: VN lấy đâu ra nhiều gạo như thế để xuất?", chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thông tin thị trường lúa gạo thế giới Ssricenews, chia sẻ.

Người bán nắm quyền chủ động

Vào thời điểm này năm trước, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), dự báo giá lúa gạo thế giới trong những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo, chí ít là năm 2023, sẽ duy trì mức cao do tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến việc gieo trồng ở nhiều nước trên thế giới và an ninh lương thực trở thành mối quan tâm lớn ở nhiều quốc gia.

Việt Nam có thể trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” của thế giới ? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường

ĐÌNH TUYỂN

Ở thời điểm hiện tại, ông Bình nhận định: Tình hình kinh tế, chính trị vẫn còn diễn biến phức tạp là một yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất là biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là hiện tượng El Nino đang diễn ra ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Những yếu tố này đã làm đảo lộn kế hoạch kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó thiếu hụt lương thực, thực phẩm với số lượng rất lớn là một vấn nạn. 

Vùng ĐBSCL của VN cũng là nơi chịu nhiều tác động của các hiện tượng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây nên. Tuy nhiên ĐBSCL có lợi thế sản xuất lúa quanh năm, mỗi năm lên đến 3 vụ, năng suất lúa cũng cao hơn của Thái Lan, khí hậu khá ôn hòa, lượng gạo luôn dư thừa để xuất khẩu mỗi năm ổn định khoảng 6 - 7 triệu tấn, đây chính là cơ hội để ngành hàng lúa gạo VN nâng cao giá trị và thương hiệu trên trường quốc tế. 

"Thị trường lúa gạo trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, chắc chắn vẫn đứng ở giá cao. Đối với mặt hàng tiêu chuẩn gạo 5% tấm có giá từ 640 - 660 USD/tấn do nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia không có điều kiện sản xuất lúa gạo. Với tình hình khan hiếm gạo như hiện nay, phần chủ động vẫn nằm trong tay người bán", ông Bình lạc quan. 

Giá gạo ở mức cao hiện nay do tác động từ hai yếu tố chính trị và thời tiết. Xét về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường chính, chuyên gia thị trường gạo quốc tế Phan Mai Hương phân tích: Thị trường gạo thế giới vẫn chịu sự chi phối của Ấn Độ, nơi chiếm tới 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Là nước đông dân nhất và phần lớn là người có thu nhập thấp nên việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề lớn với chính phủ nước này.

Cần tổ chức các hội nghị lúa gạo quốc tế để quảng bá gạo Việt

Gạo VN thật sự rất ngon. Đặc biệt là các giống ST rất nổi tiếng. Từ nhiều năm trước các giống ST5, ST10 đã được EU lựa chọn để đưa vào danh sách các mặt hàng gạo được phép nhập khẩu vào thị trường này. Nhưng người Việt chỉ biết nhiều đến các loại gạo ST khi mà giống ST25 trở thành thương hiệu gạo ngon nhất thế giới. Điều này cho thấy công tác truyền thông là rất quan trọng nhưng chúng ta chưa làm tốt, ngay cả với thị trường nội địa. Chính vì vậy, VN cần tổ chức các hội nghị lúa gạo và chương trình giao thương với khách hàng quốc tế như nhiều lĩnh vực khác.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA)

Đối với các nước nhập khẩu chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Trung Đông và các nước châu Phi thì nhu cầu vẫn rất lớn. Philippines đang tích cực tăng lượng gạo nhập khẩu, chuẩn bị gạo dự trữ để đối phó El Nino và lạm phát đang ở mức cao. Trung bình mỗi năm nước này nhập khẩu trên 3 triệu tấn gạo. Indonesia đầu năm nay có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, tuy nhiên gần đây đặt mục tiêu nhập khẩu lên tới 2,4 - 2,5 triệu tấn. Thị trường Trung Đông đã tạm ngưng giao dịch từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng. Tuy nhiên, kho dự trữ của các nước khu vực này đang cạn dần và sẽ quay lại thị trường trong khoảng tháng 10.2023. Trung Quốc cũng tương tự, từ đầu năm đến nay nước này chưa thể hiện rõ nhu cầu và khuynh hướng. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang gặp một số vấn đề về thời tiết bất thường và lại là một nước đông dân. Họ cũng phải quay lại trong các tháng cuối năm để bổ sung nguồn cung gạo nội địa. Các nước châu Phi vẫn có nhu cầu cao với mặt hàng gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

"Với bối cảnh chung đó, tôi cho rằng thị trường gạo thế giới vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung và giá tương đối cao. So với các nguồn cung khác thì VN và Thái Lan vẫn được các nhà nhập khẩu lớn trông đợi vì có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện tốt các hợp đồng lớn (từ 50.000 tấn trở lên). Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp của hai nước này đẩy giá lên quá cao, các nhà nhập khẩu sẽ tìm kiếm các nguồn cung thay thế để cân bằng ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng nội địa", bà Hương phân tích.

Không ngủ quên trên "chiến thắng"

Dù đang hưởng lợi thế lớn khi giá gạo tăng cao, tuy nhiên GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp VN, cảnh báo: ĐBSCL của chúng ta chỉ có khoảng 1,5 - 1,6 triệu ha đất trồng lúa. Theo kế hoạch vụ thu đông năm nay tăng diện tích sản xuất lên 700.000 ha, đẩy diện tích sản xuất lúa vượt 4 triệu ha. Điều này làm tăng hệ số quay vòng đất lên tới trên con số hơn 2,5 trong khi ngưỡng chịu đựng chỉ là 2,2. Hệ quả của vấn đề này là gì? Là đất đai nghèo kiệt và nông dân phải sử dụng nhiều phân bón hơn, lợi nhuận giảm. Sản xuất liên tục khiến sâu bệnh, dịch hại không có thời gian cách ly nên sẽ phát triển mạnh trong những vụ mùa kế tiếp. Nhà nông lại phải tốn nhiều chi phí cho khâu phòng trừ, bên cạnh đó ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường. 

Thứ nữa là tạo thành thói quen không tốt cho người nông dân trong việc chạy đua theo mùa vụ để tăng sản lượng. Trong khi những năm gần đây chúng ta đã bước đầu thành công trong việc khuyến cáo người dân giảm lúa vụ 3, cho đất nghỉ ngơi và trữ lũ vụ thu đông để bổ sung dinh dưỡng cho đất. Xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng, tăng giá trị hạt gạo mới thật sự là chiến lược lâu dài về an ninh lương thực và thu nhập cho người dân.

Người Hồng Kông mê gạo Việt

Thị trường này trước đây chỉ ăn các sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, những năm trước Thái Lan điều chỉnh chính sách gạo và các nhà nhập khẩu Hồng Kông tìm đến các loại gạo VN. Hiện nay, gạo ST25 và các loại gạo thơm, chất lượng cao của VN đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Hồng Kông.

Ông Benjamin Lu, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà kinh doanh gạo Hồng Kông

Gạo Việt tiêu thụ mạnh ở châu Phi

Trong thời gian qua, VN làm rất tốt công tác thị trường ở các nước châu Phi. Các loại gạo thơm chất lượng cao như Jasmine, ĐT8 được tiêu thụ mạnh ở thị trường này trong những năm qua.

Giám đốc Công ty Shree Agro ở Singapore, một nhà cung cấp gạo lớn cho thị trường châu Phi

"Nếu chúng ta cứ thấy giá gạo tăng thì đẩy mạnh sản xuất, tăng vụ , lúc đó sẽ có hại nhiều thứ và nó sẽ đến nhanh thôi. Ở góc độ quốc gia, an ninh lương thực không phải chỉ là vấn đề chúng ta làm ra thật nhiều lúa gạo, mà cái chính là khả năng tiếp cận đủ số lượng cũng như chất lượng lương thực và thực phẩm của mọi thành phần trong xã hội", GS Bửu nhấn mạnh.

Cũng theo GS Bửu, ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu và nguồn nước biến động từ thượng nguồn sông Mê Kông gây ra các hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn thường xuyên hơn. Về mặt chiến lược, chúng ta phải thích nghi và giảm thiểu các tác động này bằng cách đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu khoa học để tạo ra các giống lúa thật sự tốt và chất lượng gạo cao để thích nghi. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải thấp vì mục tiêu chiến lược cũng như cam kết của VN với quốc tế là phát triển nông nghiệp sinh thái và hướng đến không phát thải.

Không ngủ quên trên "chiến thắng" là điều mà các chuyên gia, doanh nghiệp ngành lúa gạo cảnh báo để xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan mê gạo ST25

Thật sự gạo ST25 của VN rất ngon và nhiều người rất thích. Bản thân Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) mỗi khi có dịp sang VN đều nhờ tôi mua gạo ST25 về ăn. Vì gạo ST25 có mùi thơm và độ dẻo đặc trưng, tạo ra sự khác biệt so với các giống gạo Thái Lan.

Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thông tin thị trường lúa gạo thế giới Ssricenews

Việt Nam có thể trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” của thế giới ? - Ảnh 6.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.