Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng trầm trọng các bệnh không lây nhiễm

Vũ Thơ
Vũ Thơ
13/06/2022 13:14 GMT+7

Thông tin từ hội nghị tổng kết chương trình sức khỏe thanh thiếu niên giai đoạn 2019 - 2022, với sự tham dự của Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm, cho biết tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.

Sáng 13.6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình sức khỏe thanh thiếu niên giai đoạn 2019 - 2022 với sự tham dự của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn; bà Sharon Maree Kane, tổ chức Plan International tại Việt Nam.

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội nghị

bảo anh

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho thanh thiếu niên

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, dự án truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của thanh thiếu niên về dự phòng các bệnh không lây nhiễm nằm trong khuôn khổ chương trình sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022, do T.Ư Đoàn phối hợp cùng tổ chức Plan International và Công ty AstraZeneca tổ chức.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại hội nghị

bảo anh

“Trong thời gian vừa qua, công tác đồng hành cùng thanh thiếu niên Việt Nam trong nâng cao sức khỏe, thể chất luôn được tổ chức Đoàn các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn.

Cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực, kinh nghiệm và sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên nói chung và các hoạt động dự phòng các bệnh không lây nhiễm nói riêng, đã được các cấp bộ Đoàn triển khai tổ chức khá đồng bộ và hiệu quả. Qua đó đã tham gia tích cực vào công tác hỗ trợ thanh niên phát triển hài hoà cả về trí tuệ và thể chất”, anh Lâm cho biết.

Theo anh Lâm, Việt Nam là một trong các quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Cùng với sự thay đổi cấu trúc dân số, toàn cầu hóa, đô thị hóa và di dân, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và thói quen sống, mô hình bệnh tật cũng có nhiều sự thay đổi.

Vì vậy, anh Lâm mong muốn các đơn vị phối hợp với T.Ư Đoàn trong công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên về các vấn đề liên quan bệnh không lây nhiễm.

Anh Lâm đánh giá, thông qua hoạt động dự án đã giúp cho thanh thiếu niên được nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

“Việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho thanh thiếu niên. Thực tế cũng cho thấy tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng, nếu chúng ta không dự phòng tốt các bệnh không lây nhiễm thì sẽ là một gánh nặng bệnh tật rất lớn đối với xã hội trong thời gian tới”, anh Lâm chia sẻ.

Cải thiện kiến thức, thái độ của thanh thiếu niên

Báo cáo của ban tổ chức cho biết, dự án với mục tiêu đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe của thanh thiếu niên Hà Nội, lứa tuổi 10 - 24 thông qua các cải thiện kiến thức, thái độ, thực hành của thanh thiếu niên về phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, cải thiện luật và chính sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khỏe rộng rãi cho thanh thiếu niên.

Đại diện ban tổ chức báo cáo về kết quả dự án

bảo anh

Báo cáo của dự án cho biết, sau khi triển khai tại H.Đông Anh và Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) với 303 học sinh tham gia, kết quả cho thấy kiến thức của thanh thiếu niên về những hành vi có hại cho sức khỏe đã được cải thiện đáng kể.

Ví dụ, khảo sát đầu dự án chỉ có 1% thanh thiếu niên thể hiện được kiến thức đúng liên quan đến sử dụng thuốc lá; 0,7% thể hiện kiến thức đúng liên quan đến sử dụng rượu bia, nhưng cuối dự án thì con số này đã tăng lên vượt trội với lần lượt là 58,8% và 64,1%.

Ngoài ra các chỉ số cải thiện thái độ liên quan đến sử dụng thuốc lá, rượu bia, ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng lành mạnh, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới đã tăng lên rất nhiều.

Đặc biệt, số thanh thiếu niên thể hiện thái độ tích cực lành mạnh liên quan đến sử dụng thuốc lá tăng từ 28% lên 46,1%; thể hiện thái độ tích cực lành mạnh liên quan đến sử dụng rượu bia tăng từ 38,8 - 54,1%...

Khi khảo sát về lý do thay đổi về kiến thức, thái độ, hành vi có tới 88,6% thanh thiếu niên cho biết do được truyền thông nhiều hơn thông qua các hoạt động của chương trình sức khỏe cho thanh thiếu niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.