Việt Nam đang xây dựng chiến lược khởi động lại hoạt động kinh tế, xã hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/09/2021 16:12 GMT+7

Trao đổi với các đại biểu của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng chiến lược khởi động động lại các hoạt động kinh tế, xã hội.

Sáng ngày 30.9, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC). Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến tại Việt Nam, Mỹ và một số nước ASEAN.

Không khoản trợ cấp nào quan trọng bằng việc hoạt động trở lại

Tại buổi làm việc, ông Chris Helzer, Phó chủ tịch Thương mại toàn cầu Tập đoàn NIKE, nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững trên cơ sở ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động.
Ông Chris Helzer cũng cho rằng, việc mở cửa trở lại cần được đơn giản hóa về thủ tục và hài hòa, thống nhất giữa các tỉnh và địa phương. “Tôi tin Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh mà không cần phải giãn cách trong thời gian quá dài nữa”, lãnh đạo NIKE nói.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật Điện ảnh (sửa đổi), luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ... bà Nguyễn Nguyệt, Giám đốc Chính sách công Đông Nam Á của NETFLIX, cho rằng phải rà soát toàn diện và sửa đổi khung pháp lý để từ đó thể hiện rõ quan điểm coi điện ảnh là một sản phẩm văn hóa có giá trị cao, một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó với các chính sách kèm theo nhằm phát triển ngành như một lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện NETFLIX đề nghị luật Điện ảnh sửa đổi cần quy định hậu kiểm nhằm để các hãng phim mang đến nhiều tác phẩm điện ảnh cho khán giả.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ

Gia Hân

Bà Nguyệt cũng đề nghị Việt Nam tập trung hơn nữa cho kinh tế sáng tạo vốn còn khiêm tốn khi ước tính chỉ chiếm 3% GDP, 6% việc làm và 4% xuất khẩu của Việt Nam. "Nếu kinh tế sáng tạo phát triển sẽ tác động rất lớn tới nền công nghiệp điện ảnh mà Việt Nam muốn hướng tới", bà Nguyệt nói.
Các doanh nghiệp như City Bank, IBM, Mastercard… đều đánh giá cao mục tiêu trọng tâm là chuyển đổi số trong Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để đạt được tham vọng số bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tạo ra các thể chế theo hướng khuyến khích và chấp nhận các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và mô hình kinh doanh số mới, có tác dụng phát triển tài chính bao trùm.
Các doanh nghiệp cam kết chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm, đề xuất đẩy nhanh sự phát triển của khuôn khổ pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, lưu ý đến việc hài hòa các quy định pháp luật trong nước theo các thông lệ quốc tế liên quan đến chuyển dữ liệu xuyên biên giới, bảo đảm an toàn an ninh mạng, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng lòng tin trên môi trường số…

Tháo chốt kiểm soát Covid-19, người dân TP.HCM thoát cảnh đi lòng vòng

Việt Nam đang chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà quan trọng nhất là yếu tố con người.
Vì vậy xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.
"Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số", ông Huệ nói.
Về dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Huệ cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã yêu cầu cơ quan soạn thảo phải tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật của một ngành kinh tế; phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành, phát hành trong môi trường số.
Theo ông Huệ, đây là vấn đề Quốc hội Việt Nam đặt yêu cầu khắt khe với Chính phủ, do đó, đặt ra vấn đề kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm vì một chính sách không thể áp dụng chung cho điện ảnh truyền thống và điện ảnh kỹ thuật số.
"Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế", ông Huệ nhấn mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc thực hiện nhiệm vụ kép của Việt Nam và cam kết sẽ giúp Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới

Gia Hân

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa, đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đang phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khung khổ chính sách thống nhất về khởi động lại các hoạt động kinh tế, xã hội để áp dụng nhất quán từ T.Ư đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương, từng doanh nghiệp.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2017 Ted Osius cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đặc biệt đánh giá cao sự tích cực, chủ động và thiện chí của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khi chấp thuận lời đề nghị tổ chức cuộc đối thoại hôm nay.
Tại buổi làm việc, ông Ted Osius hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn của đại dịch, thay đổi cách tiếp cận ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Chính phủ để duy trì hoạt động, sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ông Ted Osius cũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc thực hiện nhiệm vụ kép của Việt Nam và cam kết sẽ giúp Việt Nam để vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.