Cụ thể, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Trước đó, trong tuyên bố lập trường của Mỹ đối với các yêu sách ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc như "đường 9 đoạn".
"Mỹ bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank - ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Lớn (Natuna Besar - ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là phi pháp", tuyên bố nêu rõ.
Tối 14.7 (giờ Việt Nam), trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cũng đã tham dự Hội thảo lần thứ 10 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và nói rõ hơn về lập trường của Mỹ xung quanh tuyên bố này.
Theo ông Stilwell, tuyên bố trên đồng nghĩa với việc Mỹ không còn nói rằng mình trung lập về các vấn đề trên biển... mà ủng hộ các quốc gia ven biển trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, mà ở đây là UNCLOS 1982.
Ông Stilwell cảnh báo 4 điểm cần lưu ý trong vấn đề Biển Đông hiện nay, gồm: vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong thực hiện chính sách "cưỡng ép kinh tế", việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), việc Trung Quốc đẩy mạnh “phát triển chung” với các quốc gia ASEAN trong khai thác tài nguyên, và chiến dịch vận động của Trung Quốc để “kiếm” một ghế trong Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS).
Trước đó, phía Philippines, Indonesia cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh lập trường này của Mỹ.
Bình luận (0)