Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay

Liên Châu
Liên Châu
20/02/2021 06:25 GMT+7

Sáng 19.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long , Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có buổi giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các địa phương.

Phải chuẩn bị tất cả kịch bản

Đánh giá về tình hình dịch, ông Long cho biết dịch không thể kết thúc trong năm 2021. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Việt Nam dự kiến có ít nhất 60 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Theo ông Long, đợt dịch lần này phức tạp vì vi rút biến đổi, tốc độ lây nhanh hơn 70%. Đặc điểm dịch tễ học lần này là dịch trong khu công nghiệp tại Hải Dương. Số mắc ghi nhận rất cao, trung bình 20 ca mắc mới/ngày, trong khi đợt dịch tại Đà Nẵng năm 2020 là 15 ca/ngày. Xu hướng dịch tại Hải Dương hiện chưa rõ, trong khi Đà Nẵng sau 20 ngày đã thấy xu hướng giảm.
Ông Long đề nghị tất cả các tỉnh không được chủ quan, lơ là và nghĩ dịch không xảy ra trên tỉnh mình; phải chuẩn bị tất cả các phương án, kịch bản khi bùng phát dịch. Trong đó, phải có kịch bản cho cách ly và giãn cách, nếu không chủ động sẽ luống cuống, khó khăn khống chế dịch. F1 bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch H.Kim Thành (Hải Dương) phong tỏa khu dân cư có người nhiễm Covid-19 ẢNH: LÊ TÂN

Ban chỉ đạo phòng chống dịch H.Kim Thành (Hải Dương) phong tỏa khu dân cư có người nhiễm Covid-19

ẢNH: LÊ TÂN

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh cần kiểm tra toàn tỉnh, sẵn sàng cơ sở nào có thể cách ly khi có dịch; lên kịch bản sẵn về tiếp nhận, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe khi triển khai cách ly. Cách ly cần phối hợp chặt chẽ bên quân đội, để quân đội điều hành, vì cách ly trong dân sự chưa nghiêm nên có thể lây nhiễm chéo. Ông Long cũng nhấn mạnh, tất cả các địa phương cần có phương án lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng; phải tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiết bị cho tình huống dịch bùng phát.

Tình hình dịch Covid-19 ngày 20.2: Hơn 125.000 đang phải cách ly tập trung

Cơ chế đặc biệt cho cấp phép nhập khẩu vắc xin Covid-19

Ông Long cho biết thêm, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, từ nguồn COVAX và nhập khẩu. Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty sản xuất để tiếp cận thêm nguồn cung cấp. Việc sử dụng, phân phối vắc xin chống dịch được tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và pháp luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, trong đó ưu tiên khu vực có dịch và nguy cơ cao. Bộ Y tế sẽ có báo cáo Chính phủ cụ thể.
“Bộ Y tế cũng đang có cơ chế đặc biệt trong cấp phép và nhập khẩu vắc xin, chỉ trong vòng 5 ngày phải rà soát hồ sơ, lâm sàng, cho nhập khẩu theo cơ chế khẩn cấp. Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin trao đổi với Bộ về nhập khẩu vắc xin cho người dân. Cố gắng trong năm 2021, người dân tiếp cận đầy đủ vắc xin”, ông Long khẳng định.
Tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương cần chủ động về điều kiện bảo quản vắc xin, tập huấn nhân lực về tiêm chủng vắc xin Covid-19, sẵn sàng triển khai khi có vắc xin phân phối về địa phương. Ban chỉ đạo các tỉnh phải chủ động dự báo nguy cơ bùng phát dịch, cần lập kế hoạch chống dịch phù hợp với thực tế diễn biến. “Vì, nhỡ 50 - 60 tỉnh, thành cùng có thì Bộ Y tế không thể hỗ trợ hết được”, ông Tuyên lo ngại. Ngoài ra, theo ông Tuyên, các địa phương cần chủ động kế hoạch phòng, chống dịch cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào 23.5 tới. Trong đó, có kế hoạch cụ thể cho các tình huống bầu cử tại khu cách ly tập trung; cách ly tại nhà, người đang điều trị Covid-19.
Theo Bộ Y tế, từ ngày 20.2, Bộ Y tế triển khai ứng dụng mới về truy vết, với phần mềm quét QR code. “Đây là ứng dụng dễ sử dụng, cho phép tìm kiếm, truy lại các điểm đã đến như: các nơi công cộng, nhà máy, đơn vị... Toàn bộ thông tin do Bộ Y tế quản lý và bảo mật, chỉ phục vụ phòng, chống dịch, không cho các mục đích nào khác”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Có 4 biến chủng của virus gây Covid-19 đã xuất hiện ở Việt Nam

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đứng thứ 172 trên thế giới; thứ 41 châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc Covid-19. Thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (bệnh nhân 1422) nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 19.12.2020; và A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Thêm 15 ca bệnh Covid-19 đều từ Hải Dương

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), đến hết ngày 19.2, cả nước ghi nhận thêm 15 ca bệnh Covid-19, đều tại Hải Dương. Trong số này, có 13 bệnh nhân (BN) là các ca F1 đã được cách ly trước đó; 1 ca trong khu vực phong tỏa (các ca này không có nguy cơ lây lan đối với cộng đồng); 1 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục thực hiện.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 1.463 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay là 770 ca, tại 13 tỉnh, TP: Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Phòng và Hà Giang; riêng Hải Dương là 571 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 139.446. Trong đó, 604 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 13.450 người cách ly tập trung ở cơ sở khác và 125.392 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 19.2: Xuất hiện thêm ca lây nhiễm cộng đồng rất phức tạp

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc BCĐ, trong ngày 19.2, có thêm 22 BN tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP.Chí Linh, Hải Dương) được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca bệnh chưa khỏi tới hiện tại là 1.627 BN. Ngoài ra, số ca âm tính 1 lần với SARS-CoV-2 là 69 trường hợp; âm tính 2 lần là 39 trường hợp và âm tính 3 lần là 55 trường hợp.
Lê Hiệp - Liên Châu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.