Việt Nam ứng phó già hóa dân số theo mô hình Nhật Bản

Liên Châu
Liên Châu
30/12/2022 19:39 GMT+7

Triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số theo mô hình Tsuyama, Nhật Bản” giai đoạn 2022 - 2024 là một trong 5 sự kiện dân số nổi bật năm 2022.

Hôm nay 30.12, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) công bố 5 dấu ấn nổi bật của công tác dân số năm 2022.

Ngày 15.11.2022, dân số thế giới đã đạt 8 tỉ người

TỔNG CỤC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Trong đó, dấu ấn trước tiên là triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII (Nghị quyết) về công tác dân số trong tình hình mới, do Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan thực hiện.

Thời gian thực hiện từ quý 4/2022 đến tháng 8.2023. Việc triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư giúp đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết, từ đó biết được những kết quả đã đạt được, những bài học cần rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai Nghị quyết.

Áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với già hóa dân số tại Việt Nam, thông qua việc triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số theo mô hình Tsuyama, Nhật Bản” giai đoạn 2022 - 2024 là một trong 5 sự kiện dân số nổi bật năm 2022.

Ngày 21.3.2022, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 668/QĐ-BYT phê duyệt dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số theo mô hình Tsuyama, Nhật Bản”.

Dự án được triển khai mở rộng tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa, với mục tiêu “tăng cường hệ thống thực hiện ứng phó với việc già hóa dân số tại Việt Nam, thông qua thực hiện chương trình chăm sóc dự phòng cho người cao tuổi một cách bền vững tại địa bàn dự án bằng kinh nghiệm triển khai các bài thể dục phòng, tránh ngã của Nhật Bản”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác dân số

Ngoài 2 sự kiện nêu trên, có 3 sự kiện nổi bật khác về công tác dân số.

Thứ nhất là, chuyển đổi số trong công tác dân số được đẩy mạnh triển khai, với việc mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại, truyền thông trên nền tảng công nghệ số thu hút nhiều người truy cập, đăng tải thông tin cập nhật về công tác dân số.

Thứ hai là, sự kiện dân số thế giới đạt 8 tỉ người với chủ đề "8 tỉ người: Một thế giới với những tiềm năng vô hạn". Quy mô dân số thế giới 8 tỉ người là động lực cho phát triển; đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho thế giới, đòi hỏi tất các nước cùng hành động.

Thứ ba là, ngành dân số thực hiện đổi “Sổ ghi chép ban đầu về dân số” (đổi sổ A0), với việc triển khai Thông tư số 1/2022/TT-BYT ngày 10.1.2022 của Bộ Y tế quy định ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số. Thông tư này quy định về chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số; phổ biến thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành dân số và ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý kho dữ liệu chuyên ngành dân số.

Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và đến năm 2050 ước khoảng 28% dân số.

Một quốc gia bước vào thời kỳ dân số già khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân số hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số. Ước tính, năm 2036 Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), đến năm 2069, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ có 31,69 triệu người, chiếm 27,11% dân số. Năm 2036, dự báo tỷ lệ người từ 65 tuổi ở Việt Nam đạt 14,17% tổng dân số với gần 15,46 triệu người.

(Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.