Viết tiếp câu chuyện tăng trưởng

31/12/2021 04:29 GMT+7

Năm 2021 đã chính thức khép lại với nhiều chỉ số vĩ mô ở trạng thái “lần đầu tiên” hoặc “lập kỷ lục” cả mặt tích cực và hạn chế, cho thấy nền kinh tế đất nước đã trải qua một hành trình vô cùng gian truân nhưng cũng hết sức kiên cường.

GDP tăng 2,58%, thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây là điều đã được dự đoán khi quý 3, lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam tính GDP theo quý, tăng trưởng kinh tế âm. Đó là quý hứng chịu sự bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 với biến thể Delta tấn công trực diện vào các khu công nghiệp, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngưng nhiều tháng liên tục, gây ra những đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và thế giới.

Thế nhưng trong gian khó bủa vây, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vẫn cán đích kỷ lục. Đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp để giữ các đối tác, ký thêm những đơn hàng mới và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng thành công trong mục tiêu “dọn tổ đón đại bàng” đã được lên kế hoạch từ gần 2 năm trước khi dòng vốn đầu tư trên thế giới luân chuyển tìm bến đỗ dưới tác động của dịch Covid-19. Thu hút vốn FDI năm 2021 kết sổ với hơn 30 tỉ USD, nhưng điều quan trọng hơn chính là tên tuổi những “đại bàng” chọn Việt Nam để xây tổ. Đó là Tập đoàn Lego đầu tư hơn 1 tỉ USD xây dựng nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam; đó là Foxcon, Luxshare, Pegatron..., những nhà sản xuất cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các ông lớn công nghệ toàn cầu Apple, Sony, Microsoft. Những “đại bàng” này cho thấy chúng ta đã thành công trong thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và sức lan tỏa lớn.

Đất nước căng mình chống dịch, rất nhiều dịch vụ hành chính công được điện tử hóa, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các giao dịch ở hầu hết mọi lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng được thực hiện thông qua internet đã kích hoạt kinh tế số - một xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Khó khăn khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải ngưng hoạt động nhưng cũng có hàng ngàn, hàng vạn cơ hội kinh doanh được mở ra trên không gian mạng. Cũng trong gian khó đã sản sinh ra nhiều “đại bàng mang quốc tịch Việt Nam” vừa đồng hành cùng Chính phủ chống dịch, vừa ghi tên mình trên bản đồ ngành công nghiệp thế giới...

Năm 2021 đã khép lại khi đường bay quốc tế thương mại chính thức được mở ra; đại dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam đã đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng và đang dần làm chủ nguồn vắc xin; trong khi chờ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân bình phục, đầu tư công sẽ vươn lên dẫn dắt; các nền tảng vĩ mô như lạm phát, tài chính, tín dụng, ngân sách, tiền tệ, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng đều giữ được sự ổn định. Đặc biệt và quan trọng nhất, trong giai đoạn khó khăn lịch sử hiện nay, sự đoàn kết và khát vọng trở lại của cả người dân và doanh nghiệp cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Khát vọng đó chắc chắn sẽ viết tiếp một hành trình đầy kiên cường để phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn “bình thường mới” sắp tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.