Kích hoạt nhân tài Việt
Thông tin ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cùng phu nhân là bà Phạm Thu Hương sáng lập Quỹ VinFuture để tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của cả giới trí thức và người dân.
Không chỉ gây chú ý bởi cơ cấu giải thưởng “khủng” - giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 70 tỉ đồng, tương đương 3 triệu USD, là một trong những giải thưởng khoa học - công nghệ quy mô toàn cầu có giá trị lớn nhất cho đến nay, VinFuture còn tạo ấn tượng cực mạnh bởi dàn hội đồng giải thưởng độc lập bao gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Có thể kể tới như GS Gérard Mourou, Đại học Bách khoa Pháp - người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2018; GS Sir Richard Henry Friend - GS vật lý Cavendish tại Đại học Cambridge (Anh); GS Jennifer Tour Chayes - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Microsoft, Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, khoa học dữ liệu và xã hội, Đại học California, Berkeley (Mỹ); GS Michael Porter, Đại học Harvard (Mỹ), cha đẻ học thuyết “Chiến lược cạnh tranh toàn cầu”; GS Sir Kostya S.Novoselov, Đại học Manchester (Anh) - người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36, GS Vũ Hà Văn - người Việt hiếm hoi vừa được bầu là Fellows năm 2020 dành cho những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu hoặc thể hiện vai trò lãnh đạo nổi bật trong lĩnh vực thống kê hoặc xác suất của Viện Toán thống kê IMS (Institute of Mathematical Statistics)...
Vinh dự, trân trọng, cảm ơn sâu sắc... là những cảm xúc đầu tiên mà GS-TS Nguyễn Khắc Thuần, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục Việt Nam, bày tỏ với chúng tôi khi nói về giải thưởng VinFuture.
Từng 2 lần nhận giải thưởng sách Việt Nam, nhiều lần nhận giải thưởng tầm quốc gia, trong đó có giải thưởng báo cáo khoa học xuất sắc nhất, nhưng GS Thuần cho rằng công sức lao động của các nhà khoa học tại Việt Nam chưa được đánh giá bằng sự tôn trọng và hiểu biết đúng tầm. Việt Nam mới chỉ có những giải thưởng của nhà nước, giải thưởng mang tính tự phát của một vài cá nhân. Các nhà khoa học chỉ có thể trông chờ nhà nước đưa ra các giải thưởng quốc gia, nhưng còn làm theo lối bao cấp, quy mô nhỏ, chưa thật sự xây dựng được danh tiếng.
“Một quỹ giá trị lớn, một giải thưởng tầm cỡ quốc tế để khuyến khích, động viên, kích hoạt nhân tài Việt là việc làm quá tốt. Người làm khoa học được ủng hộ, khuyến khích, tiếp thêm động lực, họ sẽ thấy những phát minh của mình có thể đạt được những kết quả rất lớn, từ đó nhân ra sức mạnh các khám phá, cống hiến cho đất nước và cuộc sống. VinFuture ra đời không chỉ là vinh dự cho Việt Nam mà còn là sự kiện gây chú ý cho giới khoa học trên toàn thế giới. Có lẽ vì thế mà các nhà khoa học, tiến sĩ hàn lâm đã nhận giải thưởng khoa học Nobel cũng đồng ý tham gia vào hội đồng chấm giải này”, GS-TS Nguyễn Khắc Thuần đánh giá.
Để quốc tế biết đến một Việt Nam đặc biệt
Theo thông tin từ Tập đoàn VinGroup, giải thưởng VinFuture tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi - tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại như: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu...
PGS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Trường đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định đây là xu hướng của việc phát triển khoa học trong nền kinh tế thị trường. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải “chơi” chung với cộng đồng thế giới. Khoa học phải mang tính quốc tế, toàn cầu. Bản chất khoa học không có ranh giới quốc gia.
Các giải thưởng lớn, điển hình như giải Nobel là xuất phát từ cá nhân, nhưng được thừa nhận từ cấp quốc gia cho tới quốc tế. Giải thưởng Vinfuture định hướng ngay từ đầu là giải thưởng lớn mang tầm thế giới.
“Những giải thưởng như thế này chắc chắn sẽ khuyến khích, đẩy giá trị nhân tài Việt và khẳng định một vị thế mới của Việt Nam trên trường khoa học quốc tế”, vị này nhấn mạnh.
Theo GS Thuần, những giải thưởng khoa học lớn nhất không nằm ở những quốc gia lớn nhất. Không phải do Mỹ, Pháp, Anh hay Đức, Nga mà bắt đầu từ Nobel - Thụy Điển. Nobel không phải một nhà khoa học lớn theo đúng nghĩa của từ này nhưng đã để lại một tình cảm sâu sắc, một tinh thần hướng thiện, giàu ý thức cổ vũ cho các nhà hoạt động khoa học. Giải thưởng danh giá mà ông để lại thể hiện tình yêu lớn lao ông dành cho những người có tư duy sáng tạo, cống hiến cho nhân loại. Trên tinh thần chung đó, việc Việt Nam xây dựng được một giải thưởng tương tự cũng là điều nằm trong xu hướng phát triển chung của thế giới và cũng là nét đặc biệt của Việt Nam hiện đại.
Bình luận (0)