Vĩnh biệt ‘anh Hùng Đạ Dâng’

18/10/2020 18:14 GMT+7

“Anh Hùng Đạ Dâng” là tên thường gọi của thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng sau vụ giải cứu 12 công nhân mắc kẹt do sạt lở đất ở thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) năm 2014.

Trong vụ giải cứu công nhân thủy điện Đạ Dâng, ông Hùng là người đề xuất ý tưởng táo bạo “đào hầm trong cát” mở đường ngắn nhất tiếp cận nhóm công nhân mắc kẹt trong lòng đất.

Nước mắt tiếc thương tiễn đưa "Anh Hùng Đạ Dâng" nơi quê nhà

Tôi mãi ấn tượng lần đầu tiên gặp ông cách đây vài năm về trước, khi ông mới về làm Cục phó Cục Cứu nạn cứu hộ - Bộ Quốc phòng. Hôm ấy vừa dự xong hội nghị ở Cục, đang chuẩn bị về thì tôi nghe tiếng gọi nghiêm nghị đúng kiểu nhà binh: "Hậu, có phải đồng chí Phan Hậu, ở Báo Thanh Niên đấy không"? Rồi ông nói thấy tên tôi trong các tin, bài về Cục Cứu hộ cứu nạn và cho biết cần thông tin gì về công tác cứu hộ, cứu nạn thì liên lạc, để hai bên cùng đồng hành mà làm tốt công việc của mình.
nguyen-huu-hung

Niềm vui của thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, khi mang quân hàm đại tá, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 249, sau khi giải cứu thành công 12 công nhân ở thủy điện Đạ Dâng

Ảnh Độc Lập

Dù vậy, sau cuộc gặp hôm ấy, tôi không dám kỳ vọng nhiều vào một "nguồn tin" mới bởi môi trường quân đội thường nguyên tắc và kỷ luật, thông tin chia sẻ ra bên ngoài phải theo quy trình, không dễ gì gì tiếp cận. Nhưng càng về sau, khi tiếp xúc, tôi bất ngờ, bởi ông là người rất khác, nhiệt tình và tận tâm với anh em báo chí.
Tôi nhớ có lần xảy ra mưa lũ ở vùng biên giới Lai Châu, muốn có ít hình ảnh bộ đội giúp dân. Tôi đã gọi điện nhờ ông. Chỉ sau mươi phút, tôi đã có số điện thoại liên lạc ở Lai Châu và khi vừa gọi giới thiệu, phía đầu dây bên kia đã nói “có anh Hùng gọi điện rồi”, và hình ảnh cứ thế được gửi từ Lai Châu về Hà Nội.

Đẫm nước mắt tiễn 13 liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3 về đất mẹ

cuu-ho-cuu-nan

Nội dung thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng trao đổi về công tác cứu hộ  Vietship 01 đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 12.10

Ảnh chụp màn hình Phan Hậu

Gần đây nhất, trận mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở TP.Yên Bái ngày 19.8. Sáng hôm ấy, tôi gọi điện thì ông đã ở TP.Yên Bái, ngồi xuồng xuống khu vực ngập lụt thị sát. “Anh chụp giúp em ít ảnh được không?”. Tôi nhờ thế và anh Hùng đáp lại ngắn gọn: “Chờ anh tí, lát anh gửi”. Khoảng vài phút sau, anh Hùng gửi về cho tôi những hình ảnh đầu tiên cực kỳ ấn tượng. Sau đó, anh Hùng còn chủ động quay và gửi nhiều đoạn video nơi anh trực tiếp đi thị sát qua giúp tôi hình dung khung cảnh hiện trường. Mỗi lần như thế, anh Hùng luôn chủ động nhắn tin hoặc gọi điện hỏi “đã đủ chưa”, “cần gì nữa không”. Một cử chỉ ân cần, nhiệt tình hiếm thấy ở những sĩ quan chỉ huy mà tôi từng biết, từng làm việc!
Tôi gọi phỏng vấn ông Hùng liên quan đến sự cố tàu Vietship 01 mắc cạn ở Quảng Trị diễn ra vào trưa ngày 11.10, ngay trước lúc ông chuẩn bị đi đi miền Trung chỉ đạo ứng phó mưa lũ ngập lụt. Trưa hôm ấy, ông Hùng trả lời rành rọt, viện dẫn ngày giờ báo cáo, khẳng định quân đội vào cuộc rất sớm, điều động tàu chuyên dụng ứng ứng. Còn phương án sử dụng máy bay khi ấy là quá nguy hiểm cho tổ bay, máy bay khi điều kiện sóng to, gió lớn. Cứu hộ mà để chết thêm nhiều người, tổn thất nữa là không ổn.
Sau đó, cuộc gọi cuối cùng giữa tôi và ông Hùng diễn ra lúc 9 giờ 5 phút ngày 12.10. Qua điện thoại, tôi còn nghe rõ tiếng gió rít, mưa lớn về từ miền Trung. Bẵng đi nửa ngày cũng không thấy ông chat, nhắn tin hay gọi điện lại như mọi khi. Tôi gọi lại vào chiều cùng ngày thì thấy điện thoại tắt và nghĩ rằng ông đi vào đi vùng lũ, mất sóng hoặc hết pin.
Cho đến khi nhìn thấy tên ông trong danh sách 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích khi đang trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, tôi sững sờ và hiểu vì sao ông không gọi lại khi thấy cuộc gọi lỡ của tôi, như bao lần khác...

"Có anh Hùng đi hiện trường là sướng lắm, hình ảnh cứ tới tấp gửi về"

Trong cả ngày - đêm 14.10 và đến khi tìm thấy thi thể ông Hùng, thông tin về ông được chia sẻ rất nhiều trong các nhóm chat của phóng viên theo dõi các mảng khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Đó là những câu chuyện, ấn tượng của người làm báo chứng kiến ông chỉ huy công binh đào hầm giải cứu 12 công nhân bị vùi lấp ở thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) cách đây 6 năm. Đó là những câu chuyện ông luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn sau mỗi cuộc họp Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai; nhiệt tình gửi thông tin, hình ảnh từ hiện trường.
cuu-ho-cuu-nan

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (trái) chụp ảnh cùng thành viên trong đoàn, chiều 12.10, trên đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3

Ảnh: Trần Anh Dũng

Dù ở cương vị sĩ quan chỉ huy nhưng nếu sự cố nào, vùng mưa lũ nào có ông Hùng, anh em báo chí rất yên tâm. Bởi nếu liên lạc với ông Hùng đều được hỗ trợ, chia sẻ thông tin, hình ảnh.
Ngay cả những cán bộ làm công tác tuyên truyền ở Cục Cứu hộ cứu nạn cũng thừa nhận, nhiều chuyến đi xa họ không đi được nhưng “nếu có anh Hùng đi hiện trường thì sướng lắm, hình ảnh cứ tới tấp gửi về”, khi ấy không còn là khoảng cách cấp trên cấp dưới nữa, khi ông không ngại ngần làm công việc của cán bộ tuyên truyền. Kho tư liệu thông tin tuyên truyền ở Cục Cứu hộ cứu nạn vì thế có rất nhiều tư liệu do ông trực tiếp bấm chụp và gửi về.
Hy sinh trong chuyến đi cứu hộ cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng 3, người dân xã Sài Sơn (H.Quốc Oai, Hà Nội) không còn được thấy ông “đại tá quân đội” sống giản dị, sáng cuối tuần về nhà là ra chợ mua đồ ăn sáng cho vợ con. Anh em báo chí cũng không còn được gặp lại một sĩ quan chỉ huy cởi mở, gần gũi, nhiệt tình hỗ trợ họ trong công việc.
Vĩnh biệt “anh Hùng Đạ Dâng! Trở về nhà thôi anh Hùng ơi! Đồng đội, gia đình mong ngóng đón anh trở lại quê nhà, yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Nhưng anh sẽ còn sống mãi trong ký ức thân thương của đồng chí, đồng đội và tất cả anh em bạn bè". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.