Vĩnh biệt GS Phạm Phụ, giáo dục ĐH Việt Nam mất đi một tiếng nói phản biện

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
14/10/2022 13:37 GMT+7

GS Phạm Phụ vừa qua đời lúc 23 giờ đêm 13.10.2022. Trái tim của một trí thức lớn đã ngừng đập ở tuổi 86, để lại vô vàn tiếc thương cho những người yêu quý ông suốt hàng chục năm qua.

Giáo dục Việt Nam sẽ không còn hình ảnh một vị giáo sư có giọng nói sang sảng và mạnh mẽ, đứng phản biện giữa những hội nghị lớn nhất, điểm trúng “huyệt" vấn đề và không ngại va chạm, luôn thu hút toàn bộ hội trường như GS Phạm Phụ.

GS Phạm Phụ trong một hội thảo về giáo dục đại học

Đăng nguyên

Người “vẽ" khuôn mặt mới của giáo dục Việt Nam

Từ khoảng năm 1996 đến 2005, giáo dục Việt Nam bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều chính sách bắt đầu được áp dụng để thay đổi giáo dục, nhiều trường đại học mới bắt đầu ra đời… Trong khoảng 10 năm sôi động ấy, đâu đâu cũng thấy một tiếng nói phản biện từ GS Phạm Phụ.

Bằng kinh nghiệm, kiến thức từ nghiên cứu rất sâu, ông không ngừng cất lên tiếng nói phản biện tại các hội nghị, toạ đàm, trên khắp các mặt báo. Chỉ trong 10 năm ấy, hàng trăm bài báo, kiến nghị, nghiên cứu về giáo dục của ông xuất hiện và sau đó được tập hợp thành 2 tập sách dày cộm mang tên “Về khuôn mặt mới của giáo dục Việt Nam". Đọc 2 cuốn sách, sẽ có nhiều người “choáng váng" vì những nghiên cứu, tìm hiểu hay đề xuất sâu sắc và đi trước thời đại. Những nhận định và đề xuất của ông về tự chủ đại học, hội đồng trường, tài chính giáo dục… hiện đang là thực tế của giáo dục ngày hôm nay.

Giáo dục Việt Nam mất đi GS Phạm Phụ

Từ năm 2006 cho đến trước khi mắc bệnh những năm gần đây, GS Phạm Phụ vẫn miệt mài đi khắp nơi phản biện giáo dục, vẫn luôn là trung tâm của những hội nghị. Năm tháng, sức khỏe ông yếu dần nhưng ngọn lửa nhiệt tâm với giáo dục vẫn không bao giờ tắt. Nhưng hầu như ai cũng thích nghe ông nói.

“Không chỉ "vượt rào" để chuyên phản biện, cuộc đời của GS Phạm Phụ cũng là những cuộc “vượt rào". Ông sinh ra trong một gia đình khá khó khăn tại Quảng Ngãi. Bố mất sớm nên dù là con một, mẹ ông cũng từng phải khuyên ông nghỉ học khi học xong cấp 1 để ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng may mắn sau đó ông được cấp học bổng 12 kg gạo/tháng (học bổng rất hiếm hoi khi ấy ở vùng kháng chiến với năm đói kém 1952) để theo đuổi việc học. Từ động lực này, ông “vượt rào” qua vòng tuyển chọn gần 20 lấy 1 để vào trường cấp 3 nổi tiếng nhất miền Trung thời đó: Lê Khiết (Quảng Ngãi). Sau năm 1954 ông vào Trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) và Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Sau đó ông học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khóa 1 chỉ trong vòng 3 năm. Ông tự nhẩm tính mình ngồi trên ghế nhà trường, kể cả các lớp ngắn hạn chưa đầy 15 năm, chưa đủ thời gian để nhận bằng cử nhân như hiện nay. Tất cả mọi thành công đến với ông sau này đều do quá trình tự học, tự mày mò nghiên cứu.

GS Phạm Phụ

msm

Đặc biệt nhất, ông làm luận văn tiến sĩ về hệ thống thủy điện mà không hề có giáo viên hướng dẫn. Chỉ đến khi luận văn hoàn thành mới có một hội đồng được thành lập ở Bộ GD-ĐT chấm đề tài (lúc ấy việc xét duyệt lý lịch đi học tiến sĩ ở nước ngoài còn khá khó khăn). Sau năm 1975, ông lại “vượt ngược rào” để dự tuyển kỳ thi tiếng Anh để đi học thạc sĩ trở lại ở Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan). Là tiến sĩ rồi đi học thạc sĩ là một quyết định khá kỳ lạ. Nhưng đây lại là bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Cùng với thời gian được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong (1986 – 1988), ông có cơ hội tìm hiểu giáo dục đại học (GDĐH) các nước để từ đó so sánh và góp ý cho GDĐH Việt Nam. Góp ý từ khoa, từ trường, viết báo, rồi bắt đầu có uy tín được mời góp ý cho các hội nghị về GDĐH và trở thành thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng.

Ông từng kể: “Tôi tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn GDĐH trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển hy vọng có thể lấp chút ít vào “chỗ trống” lạc hậu của GDĐH Việt Nam. Chuyện nghiên cứu và phản biện GDĐH đối với tôi cũng là “vượt rào” vì chuyên ngành của tôi là thủy điện. Mừng là có nhiều người chịu để cho tôi nói và chịu lắng nghe!”.

Giáo dục đại học là lẽ sống của GS Phạm Phụ

Sau những giờ phút thắp lên "ngọn lửa" ở các hội nghị, hội thảo, sau những bài báo sắc nét cải cách giáo dục, GS Phạm Phụ lại lui về căn phòng nhỏ trong ngôi nhà yên tĩnh của ông trên đường Đào Duy Anh. Căn phòng nhỏ chỉ có 1 chiếc giường, 1 máy tính để bàn và sách vở la liệt. Qua nhà ông, bao giờ cũng thấy ông ngồi miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu, viết trên giấy, trên máy tính những suy nghĩ của mình. Ngay cả thời điểm ông bị gãy chân phải nằm một chỗ, ông vẫn không ngừng lại công việc.

Giáo dục đại học là lẽ sống của GS Phạm Phụ. Ông cũng tự nhận mình là người “nghiện" GDĐH như “nghiện ma tuý". Thậm chí, có câu chuyện vui là ngồi với anh em trong khoa Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), nói mọi chuyện trên trời dưới đất rồi ông cũng quay về giáo dục. Thậm chí, có bữa mọi người còn nói trước với ông là “cấm nói về giáo dục”!

GS Phạm Phụ

hà ánh

Vắng bóng GS Phạm Phụ, những hội nghị GDĐH những năm gần đây như mất đi một ngọn lửa. Vắng bóng ông là vắng đi một người chuyên chuyên xách chiếc cặp nhỏ đựng hàng tá tài liệu, đứng lên cất tiếng nói sang sảng giữa hàng trăm người đang chờ đợi ông lên tiếng. Vắng bóng ông, GDĐH những năm gần đây thiếu đi một người “vẽ" nên khuôn mặt mới.

Trước GS Phạm Phụ, một vị GS chuyên phản biện giáo dục mạnh mẽ khác là GS Dương Thiệu Tống đã rời trần thế (năm 2008). GS Dương Thiệu Tống là người từng thốt lên rằng: “Tôi và GS Phạm Phụ ít khi gặp nhau, nhưng cứ như đã biết nhau và hiểu nhau từ thời tiền kiếp vậy”. Nay thì ai sẽ là người nối tiếp hai ông?

Vĩnh biệt GS Phạm Phụ. Vĩnh biệt người luôn nặng lòng với GDĐH, với cải cách giáo dục của đất nước.

GS Phạm Phụ sinh ngày 11.12.1937 tại Quảng Ngãi.

Ngày vào ngành giáo dục – đào tạo: 5.9.1959

Tháng 3.1986 – 12.1988: biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong.

1991 – 1996: Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

1992 – 1997: Đại biểu Quốc hội.

1995 – 2007: Thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục.

1997 – 1999: Chủ tịch Hội đồng quản trị Ban Quản lý dự án khu Công nghệ cao TP.HCM.

1999 – 2008: Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh MSM.

2008 về sau này: về hưu và chuyên… phản biện giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.