"Rồi cũng sẽ qua…"
11 giờ trưa, bà Trần Thị Ánh (53 tuổi, ngụ đường Nghĩa Hòa, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) chuẩn bị bữa trưa đợi chồng là ông Nguyễn Đăng Đường (58 tuổi) về ăn cùng. Bà Ánh kể: năm 1988 vợ chồng quen nhau qua mai mối thay vì gặp bởi "tiếng sét ái tình". "Ông cứ bảo tôi là làm nghề đám, hóa ra là thổi kèn ở đám… ma. Quen nhau hơn một năm tôi mới biết ông làm nghề gì. Hồi đó chưa có điện thoại, chúng tôi cứ gặp hôm trước là hẹn cho ngày hôm sau, cứ chở nhau đi lễ ở nhà thờ. Hồi xưa cứ yêu nhau nhẹ nhàng, gần hai năm thì nên duyên vợ chồng", bà Ánh nhớ lại.
Sau đám cưới, bà Ánh mang thai, ông Đường đi làm kiếm tiền, bà quán xuyến việc nhà. Hạnh phúc vô bờ khi bà sinh lần lượt hai con, đủ nếp đủ tẻ. Năm 2008, trên đường từ Đà Lạt về TP.HCM sau một lần đi làm, ông Đường gặp tai nạn. "Mọi người đi chung nhưng giấu không cho tôi biết. Về đến TP.HCM, họ mới nói, tôi chạy lên bệnh viện. Nghe bác sĩ phán phải cưa tay, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Được một lúc, tôi sợ ông mất đi sự lạc quan nên phải kìm nén lại, không muốn làm ông mất tinh thần trước cuộc phẫu thuật", bà kể. Từ một người khỏe mạnh, trụ cột gia đình, ông Đường buồn nhiều vì mất đi cánh tay phải. Bà Ánh chuyển sang làm thợ may để có tiền trang trải cuộc sống, chăm sóc chồng. Vợ chồng bà hoán đổi vai trò cho nhau. "Nhìn ông khóc, tôi không cầm được nước mắt. Ngày tháng cứ trôi qua, ông buồn nhiều lắm. Tôi động viên nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống còn hơn nhiều người để ông có thêm tinh thần", bà nói.
"Tôn trọng anh suốt cuộc đời em"
Bà Ánh là người bên cạnh chăm sóc từ việc cơm nước, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho ông,… không ngại việc gì. Bà trở thành "đôi tay" của ông, giúp ông vượt qua khó khăn này. "Ông buồn nên tính tình cũng thay đổi, khó tính hơn. Tôi biết người bệnh khó chịu nên thường phải nhẹ nhàng với ông. Tôi cũng có buồn chứ nhưng không bao giờ để ông thấy", bà kể.
Không để vợ thất vọng, ông Đường bắt đầu tập làm mọi thứ từ cánh tay còn lại. Những dòng chữ viết bằng tay trái đầu tiên, ông ghi ngày gặp biến cố vào cuốn nhật ký. Cuộc sống vẫn tiếp tục thử thách ông khi sau đó ít năm, ông lại bị tai biến, liệt nửa người. Bà Ánh lại tiếp tục bồng bế, kiếm tiền mướn bác sĩ về nhà châm cứu, bấm huyệt, ngày ngày mong ông khỏe lại. "Tôi vẫn nhớ những lúc tắm cho ông, ông thủ thỉ: "Em ơi đừng bỏ anh nhé". Tôi nói không lo cho anh thì lo cho ai để ông yên tâm. Nhà tôi là người có đạo nên lúc kết hôn đã có lời thề: Lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, em sẽ tôn trọng anh mọi ngày trong suốt cuộc đời em. Tôi lạc quan, ngày ngày động viên ông", người vợ tâm sự.
Hiện tại, sức khỏe ông Đường tạm ổn, cuộc sống vợ chồng dễ thở hơn. Nghe bà Ánh kể lại những tháng ngày gian truân, người đối diện cảm phục sự kiên nhẫn và tình yêu thương của người vợ dành cho chồng.
Nói về vợ, ông Đường dùng hai từ "tuyệt vời!". Ông nhận ra bà lo lắng cho mình không chỉ thuần về bổn phận phải làm của người vợ mà còn chứa cả một bầu trời tình cảm. "Hồi mới mất cánh tay phải, tôi buồn dữ lắm. Vợ đút cho ăn, không làm được những việc dù là nhỏ nhất. Từ ngày bị tai nạn, sức khỏe tôi yếu hẳn. Nhiều lúc muốn tự tử cho xong nhưng vợ động viên lấy lại tinh thần. Xem ti vi thấy nhiều người còn khổ hơn mà còn vượt qua được", nói đoạn ông nhìn sang bà Ánh cười tươi, không quên tặng bà một nụ hôn.
Bà Nhật (73 tuổi, hàng xóm của vợ chồng ông Đường) chia sẻ: "Bà Ánh chăm ông kỹ lắm, đi đâu hai ông bà cũng có nhau. Bà hay chở ông đi lễ, rất đảm đang. Ông hay hỏi bà thấy ông vậy có buồn không nhưng bà luôn vui vẻ. Tôi thấy hai vợ chồng lúc nào cũng tình cảm".
Bình luận (0)