Vô lương tâm

02/06/2022 06:00 GMT+7

Liệu một số rất ít người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để tuyên truyền kích động , chống phá thành tựu của Đảng, thành quả của trăm triệu công dân Việt có là đại diện cho 'lương tâm dân chủ' hay không? Câu trả lời dứt khoát là không, không bao giờ.

Vừa qua lại rộ lên các thông tin online về hô hào tôn trọng nhân quyền, cởi mở xã hội dân sự, phóng thích các “tù nhân lương tâm” tại nước ta… Liệu lương tâm của dư luận giàu lòng yêu nước có thể chấp nhận thứ lý sự vi phạm lợi ích dân tộc, gây hại đến bề dày ổn định, phát triển của đất nước hay không? Liệu một số rất ít người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để tuyên truyền kích động, chống phá thành tựu của Đảng, thành quả của trăm triệu công dân Việt có là đại diện cho “lương tâm dân chủ” hay không? Câu trả lời dứt khoát là không, không bao giờ.

Theo Karl Marx, về bản chất, chủ quyền của nhân dân phải trở thành vấn đề trung tâm trong một xã hội dân sự đích thực, làm cơ sở cho một chế độ dân chủ và nhà nước dân chủ chân chính. Đó là tư tưởng định hướng cho việc đánh giá và xác định tính đúng đắn của một số tổ chức được coi là xã hội dân sự và cơ sở, tiêu chí để khẳng định những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa “xã hội dân sự” nhằm chống đối chính quyền nhân dân.

Pháp luật Việt Nam đã quy định các điều kiện để thành lập một tổ chức xã hội dân sự, đó là phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức; thành phần sáng lập, hội viên, nguồn tài chính để hoạt động và phương thức hoạt động… Hiện nay ở nước ta, bên cạnh các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đã có nhiều hội, tổ chức phi chính phủ được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân hoạt động công khai, hợp pháp. Ngoài ra, còn hàng vạn các hội, nhóm hoạt động theo ý nguyện tôn giáo, theo nghề nghiệp, sở thích cùng với hơn 72 triệu tài khoản trên mạng xã hội. Qua đó, đông đảo người dân thực thi quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin phù hợp với luật pháp mà không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích của nhà nước, của cộng đồng và tổ chức, công dân. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của công dân luôn được bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật, kể cả việc tiếp thu những ý kiến phản biện đúng đắn, có trách nhiệm trên tinh thần xây dựng.

Bởi vậy nên những nhận định kiểu như “có những hạn chế không đáng có đối với các thành viên xã hội dân sự trong việc thực hiện các quyền của họ tại Việt Nam” là phiến diện, quy nạp vô căn cứ, không phản ảnh đúng thực tế và chỉ vin theo ý kiến một chiều của số rất ít người vi phạm pháp luật Việt Nam. Họ đã và đang bị xét xử vì lợi dụng quyền tự do, dân chủ để gây tổn hại từ uy tín, sự lãnh đạo của tổ chức đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, cá nhân; thậm chí là tiếp tay với các thế lực thù địch để xuyên tạc đường lối, chính sách, kêu gọi đa nguyên về tư tưởng chính trị, phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta. Những người này tự xưng hoặc được gắn cho cái mác mỹ miều là “tù nhân lương tâm”.

Lương tâm là khái niệm gồm cả yếu tố đạo đức cùng sự hiểu biết, là nhân, là nghĩa, là tự giác trách nhiệm. Phát tán thông tin sai lệch là vô lương tâm, là phạm pháp. Ngay cả tại Mỹ, Bộ An ninh nội địa nước này cũng đã thành lập một cơ quan chuyên theo dõi và quản trị thông tin sai lệch. Theo Hãng tin AP, Bộ này cho biết các cơ quan liên bang coi thông tin sai lệch là một mối đe dọa an ninh quốc gia, và “Cơ quan này được thiết kế để đảm bảo chúng tôi hoàn thành sứ mệnh bảo vệ đất nước, đồng thời bảo vệ các quyền cốt lõi của Hiến pháp”.

Theo phân tích như trên, dư luận có lương tâm không bao giờ có thể tin theo, làm theo hay hô hào bảo vệ cho những người tự biến mình thành “tù nhân vô lương tâm” cả…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.