Võ Thị Xuân Hà - tìm giọt trong veo trên cánh hoàng mộc hương

Bích Hạnh
Bích Hạnh
12/09/2020 14:01 GMT+7

Hoàng mộc hương là tập sách mới nhất gồm 15 truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, cũng là tập truyện ngắn thứ 23, một con số khiến bạn đọc có thể “dừng lại” đầy ngưỡng mộ.

Hoàng mộc hương, một loài hoa huyền thoại bí ẩn, chỉ có ở trên rừng già, “loài cây đỏng đảnh khó tính như các nàng tiên nữ”. Mỗi buổi sáng sớm, những giọt sương đọng trên cánh hoa, hấp thu hết những dược tính của nó, được người ta chắt lấy và lưu giữ thành một vị thuốc chữa cho người đời bệnh “mờ mắt quáng gà”. Những giọt sương đó được gọi bằng cái tên kỳ ảo là “lưu thủy linh”… Truyện ngắn đầu tiên trong tập sách này, Hoàng mộc hương nở hoa, cũng là cái không gian ám mị theo suốt với độc giả trong toàn bộ tập truyện, quấn quít vương vít tâm trí và “bắt” họ phải đi tìm những giá trị cuộc sống, mà “bệnh mờ mắt quáng gà” - dù vô tình hay hữu ý, chính là biểu hiện cho cái tâm trí mung minh vô định của con người trong quá trình đi tìm hạnh phúc.
Võ Thị Xuân Hà - tìm giọt trong veo trên cánh hoàng mộc hương - Ảnh 1.

Bìa sách Hoàng mộc hương - Võ Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020 ẢNH: B.H

Mung minh vô định, bởi như hai nhân vật mà kẻ trốn chạy tình yêu bởi chẳng còn niềm tin, người lại đi tìm như tìm một loài hoa trắng ngát hương thơm (Muôn ngàn hạt châu); kẻ nhất quyết chỉ nghe theo tiếng gọi của trái tim, chết không phải bởi sự cực độc của lá ngón, mà bởi những hủ tục, bùa ngải như nàng Đan, cô Ngạn (trong Đoạn trường thảo kiêu hãnh); hay như cô Miên năm lần bảy lượt được yêu nhưng cũng chừng ấy lần mất mát vuột rơi (Đêm dài); như nàng Thê - nhân vật ảo mộng mang bóng dáng nữ văn nhân với cuộc kiếm tìm luân hồi mấy kiếp…, thì cuối cùng cũng không phải là một “happy ending”, thậm chí chan chứa nỗi đau. Những người đàn bà trong các truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà đều có chung cái bóng dáng kiều mị mong manh, dưới ngòi bút kể chuyện và miêu tả bằng chất văn đẹp nhẹ nhàng trong trẻo như sương mai, ngay khi họ hạnh phúc cũng vẫn phảng phất nỗi buồn như chính bản chất của cuộc sống này.
“Lĩnh vực văn chương và thầy lang ư? Cũng có thể giống nhau. Nhưng văn chương nằm ở một rãnh khác. Là sự sáng tạo, như Đấng Sáng Tạo Trên Trời”, câu nói tâm sự của “tôi” trong truyện ngắn Muôn ngàn hạt châu có lẽ chính là một phần trong quan niệm viết văn của Võ Thị Xuân Hà. Văn chương chữa lành vết thương, giải cứu nỗi đau ở chỗ chạm đến tận cùng những nỗi đau ấy. Tính nhân văn trong các tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà là ở những câu chuyện dù đời thực, hay mộng ảo, thì cuối cùng cũng hướng tới việc chữa lành bằng sự giác ngộ quan niệm nhân sinh nhà Phật: cuộc sống là vô thường; chỉ có tình yêu thương vô điều kiện, sự nhẫn nhịn hy sinh vị tha buông bỏ những oán hờn, tệ bạc… mới có thể mang đến an yên. “Đám cưới âm” mà bà ngoại“ quên quên nhớ nhớ” luôn mong mỏi cho cậu út – người con trai thứ ba trong ba người con trai của bà hy sinh khi chưa kịp lập gia đình trong Bên thềm gạch cũ; câu chuyện tình như một áng văn được viết khéo léo ủy mị đến nao lòng, buồn thương ngọt đắng trong từng chi tiết, mỗi câu là một lần rỏ nước mắt cho người đàn bà trẻ tên Miên (Đêm dài)… cũng là những sự đáp đền nhẹ và ấm với cõi lòng người đọc.
Trong tập truyện ngắn này, những câu chuyện có tính thời sự có ý nghĩa thức tỉnh cũng mang đến cho độc giả tình yêu với thiên nhiên môi trường và khơi gợi lòng tốt, ý thức đóng góp xây dựng cuộc sống. Câu chuyện của bọn buôn người ban đầu định cứu chú khỉ con bị kẹt để bắt thêm những con khỉ khác, nhưng rồi không những họ tha bầy khỉ mà còn tha cả các cô gái họ bắt giữ, chỉ vì được cảm hóa trước hình ảnh khỉ mẹ hoan hỉ mừng vui cảm ơn người (Biên ải); Mừng chiến thắng viết về chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển U.23 Việt Nam trên tuyết trắng xứ người; Những bức thư gửi từ biển kính tặng hương hồn những anh hùng đã hy sinh trên đảo Gạc Ma; Mảnh đất cho Tô ni - cậu học trò con lai ở Huế, từ 1989 đến vĩ thanh 2019, liên hệ đến cuộc ra đi của những người Việt xấu số “chui rúc trong những container lạnh như những nấm mồ”; hay những người trẻ biết yêu và giữ gìn giá trị truyền thống với cây đào trăm năm tuổi trong Những cánh đào mỏng manh; câu chuyện tình tuyệt đẹp của người lính cứu hỏa; Thiên Hạ Thái Bình với câu nói như biểu tượng về sự đồng điệu, hòa hợp, trẻ trung và vì nhau trong tình yêu - “Anh sẽ cùng em đi Tây Tạng” (dù anh thích đi Mỹ)… Những truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà vẫn âm thầm dòng nhựa ấm để trổ lên những mầm xanh trên khổ đau tàn lụi cõi người.
“Bạn có cảm thấy vô vàn sự liên kết với trái đất và những người đã đi qua, đang đi qua, hay ở xung quanh bạn không? Bạn có cảm thấy mình không chỉ thuộc về thế giới này, mà còn thuộc về khoảng không gian đa chiều bao la vô tận?”, đặt ra câu hỏi cũng là thể hiện triết lý, nhân sinh quan của chính mình, nhà văn nữ với bút lực dồi dào và cái nhìn thấu tận, nhẹ nhõm - bởi đã cảm mục được những tầng thẳm sâu của lòng người, mang đến cho bạn đọc câu trả lời chủ động: “Chọn góc nhìn toàn diện về cuộc sống sẽ giúp bạn cầm chịch mọi thứ”. Vì thế, những truyện ngắn của chị cũng là những giọt “lưu thủy linh” trong veo trên cánh hoàng mộc hương, mà người đọc mong tìm để được sẻ chia, an ủi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.