Mới đây, một nam bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) và được phát hiện vỡ thực quản do nôn ói sau tiệc nhậu. Bác sĩ (BS) đánh giá đây là ca bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.
Bệnh nhân vỡ thực quản do nôn ói vì uống bia rượu |
bỆNH VIỆN NHÂN DÂN 115 |
Vì sao uống bia rượu lại gây ói?
TS-BS CK2 Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: “Ói - bản chất là một phản ứng có lợi của cơ thể giúp tống xuất những chất gây hại ra bên ngoài. Nên khi sử dụng lượng bia rượu quá mức, gan không thể chuyển hóa hết acetaldehyde thì lượng dư thừa sẽ kích thích cơ thể gây ói. Ngoài ra, rượu bia có khả năng kích ứng dạ dày hoạt động quá mức dẫn tới ói liên tục hoặc nặng hơn là ói nhiều ngày sau đó”, BS Quang Huy phân tích.
Theo BS Quang Huy, trái với suy nghĩ của nhiều người, việc ói sẽ không làm người uống bia rượu tỉnh táo trở lại vì sự hấp thụ rượu vào máu là rất nhanh. Và triệu chứng ói khi đó là phản ứng của cơ thể với chất độc hại. Một khu vực của não được coi là trung tâm kiểm soát ói (nằm ở hai bên sàn não thất 4, gần vùng postrema).
“Ói là phản xạ bảo vệ giúp loại bỏ các chất độc trong dạ dày, được kích thích bởi các yếu tố thần kinh và thể dịch. Uống rượu là một trong những yếu tố có thể dẫn đến kích hoạt trung tâm kiểm soát ói. Buồn ói xuất hiện một vài phút sau khi có sự gia tăng hoạt động sóng chậm của dạ dày, kèm theo là sự gia tăng của cortisol và beta endorphin cũng như epinephrine và norepinephrine trong máu. Ngoài ra, ói còn biểu hiện của một số bất thường trong cơ thể gây ra do: liệt dạ dày nhẹ, ngộ độc rượu, nhiễm ketoacidosis do rượu... Tất cả các bất thường này đều có nguyên nhân từ rượu bia.
Ói gây ra những hậu quả gì?
Theo BS Quang Huy, ói là một phản xạ tốt của cơ thể nhưng khi ói nhiều, ói liên tục thì lại rất hại cho sức khỏe. Trong các tác hại của ói thì có 3 biến chứng chính có thể gây tử vong.
Thứ nhất, gây vỡ thực quản. Nguyên nhân bị vỡ thực quản sau ói là do khi ói làm tăng áp lực đột ngột trong lòng thực quản, trong khi thanh môn phía trên thực quản đóng kín - còn gọi là hội chứng Boerhaave.
Hội chứng Boerhaave lần đầu tiên được mô tả vào năm 1724 bởi Hermann Boerhaave, GS Y khoa tại ĐH Leiden. Trong ấn phẩm của mình có tựa đề Lịch sử của một căn bệnh thần kinh chưa được mô tả trước đây, ông đã thảo luận về trường hợp của nam tước Jan von Wassenaer, một đô đốc Hà Lan - người sau một bữa tiệc, bắt đầu ói và đau ngực bên trái ngay sau đó. Thật không may, ông này chỉ sống sót trong 24 giờ sau khi vụ việc xảy ra.
Ngày nay, hội chứng Boerhaave chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp vỡ thực quản. Mặc dù tỷ lệ thực tế của thủng thực quản trên toàn thế giới là không rõ ràng, một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ mắc khoảng 3,1/1 triệu ca/năm. Dân số và số bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave khác nhau, nhưng nguy cơ cao nhất ở nam giới trung niên. Tình trạng này có liên quan nhiều đến việc uống rượu. Tỷ lệ tử vong hiện nay vẫn ở mức 40%.
Uống bia rượu có kiểm soát để giữ sức khỏe |
NGUYỄN LONG |
Thứ hai là ói ra máu, ít gặp hơn, còn gọi là hội chứng Mallory-Weiss. Nguyên nhân là do ói nhiều gây trầy xước niêm mạc dạ dày, gây chảy máu dạ dày. Có nhiều trường hợp gây xuất huyết dạ dày ồ ạt đưa đến sốc giảm thể tích và tử vong.
Thứ ba, gây rối loạn nước điện giải gây toan chuyển hóa. Nguyên nhân do ói nhiều gây mất nước và điện giải, gây mất cân bằng nội môi đưa đến tình trạng toan chuyển hóa, nhiễm độc nặng cho cơ thể và dẫn đến tử vong.
Làm gì khi bị ói do uống bia rượu?
BS Quang Huy khuyến cáo, nên uống trà gừng để giúp giảm buồn nôn. Có thể uống trà gừng chế biến sẵn mua ở siêu thị hoặc làm theo cách khá đơn giản là đập dập gừng tươi và hãm với nước sôi.
Dùng thuốc kháng bơm proton (như: Omeprazol, Esomeprazol…), thuốc băng dạ dày (như: Phosphalugel, Kremil S… ). Nếu vẫn còn ói thì dùng thuốc chống ói như: Primperan, Ondansetron… Tránh ăn tất cả các loại thực phẩm trong một vài giờ sau khi nôn.
Trong 3 - 4 giờ liên tiếp, uống đều đặn một lượng nhỏ dịch trong như: nước lọc, clear soda, nước táo ép. Cứ 10 - 15 phút lại uống, tránh uống nhiều một lúc. Tránh đồ uống là nước từ quả có múi (nước chanh, cam, bưởi...), sữa vì dễ gây nôn và ảnh hưởng không tốt cho dạ dày. Lượng chất lỏng này nên được tăng dần theo mức độ chịu đựng của mỗi người.
Nếu người bệnh có thể giữ chất lỏng trong dạ dày vài giờ mà không nôn ra và có cảm giác thèm ăn, hãy ăn ít một, từ từ các thức ăn đơn giản như: chuối, cháo hoặc bánh mì sấy khô. Tránh xa các thực phẩm khó tiêu hóa như thức ăn có dầu mỡ và cay.
Vì rượu làm cạn kiệt các dự trữ khoáng chất thiết yếu của cơ thể, đặc biệt là kali và canxi nên các ngày sau đó cần bổ sung sự thiếu hụt bằng cách ăn các thực phẩm giàu kali, canxi (chuối, khoai tây, sữa không đường, rau lá màu xanh, các loại đậu, tôm, hàu...).
Nếu bị ói kèm theo đau bụng, ói liên tục, ói ra máu… thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi, xử lý kịp thời các biến chứng.
Làm sao uống bia rượu mà không bị ói?
“Trong cuộc sống, chúng ta không thể hoàn toàn thoát ly với bia rượu; có rất nhiều lý do phải dùng bia rượu. Đó là chưa kể bia rượu vẫn có tác dụng có ích cho cơ thể khi chúng ta dùng với liều lượng đúng mức”, BS Quang Huy chia sẻ.
Để uống bia rượu không bị ói, nên làm một số phương pháp. Cụ thể, trước khi uống, bắt buộc phải ăn. Tiêu thụ một số thực phẩm và đồ uống không cồn trước khi uống bia rượu sẽ giúp ích rất nhiều vì nó giúp làm giảm tác dụng của rượu bằng cách pha loãng nó.
Trong khi uống, thực hiện theo quy tắc uống 1 ly nước kèm mỗi lần nâng ly và uống rượu. Bằng cách này, có thể tránh được biến chứng mất nước cho cơ thể.
Tránh pha trộn các loại đồ uống có cồn khác nhau với nhau vì đó là cách ngắn nhất để gây sự nôn nao cùng với tình trạng nôn mửa. Chỉ nên uống một loại đồ uống từ đầu tới cuối bữa tiệc.
Cảnh giác với đồ uống có cồn có đường như những ly coctail margaritas (pha trộn từ rượu tequila, rượu hương cam với chanh hoặc nước trái cây) vì vị ngọt cũng như hương liệu của coctail có thể khiến bạn uống nhiều rượu hơn mức dự tính.
Khoảng cách mỗi lần uống rượu cách nhau càng xa càng tốt vì phải mất ít nhất 1 giờ để cơ thể chuyển hóa rượu. Do đó không nên cứ nâng ly 100% liên tục.
Sau khi uống, dù có say tới mức nào, nên nhớ trước khi vào giường nằm ngủ, đừng quên uống một lượng nước lớn để hạn chế tác hại của rượu.
Cuối cùng, nên để ý tới phản ứng của cơ thể; dừng uống đúng lúc khi đã cảm thấy mệt, buồn nôn.
Mới đây, một nam bệnh nhân 46 tuổi nhập viện tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân 115 với bệnh sử là sau khi nhậu bia rượu vào buổi trưa, bệnh nhân ói rất nhiều lần. Sau đó bệnh nhân đau bụng trên rốn, lan ra khắp bụng, đau nhiều khiến bệnh nhân khó thở. Bệnh nhân không sốt, vẫn tiêu tiểu được. Buổi chiều, bệnh nhân nhập viện với tình trạng đau khắp bụng, đau nhiều vùng thượng vị lan ra sau lưng. Sau khi chụp CT-Scanner bụng và được chẩn đoán vỡ thực quản, phải mổ cấp cứu và bệnh nhân được cứu sống. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bình luận (0)