Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,46 tỉ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 74,8% với tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỉ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng số vốn điều chỉnh, dù số dự án đăng ký điều chỉnh giảm 23,8% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỉ USD, tăng 2,5 lần so với 2 tháng đầu năm 2020. Tương tự, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại 2 tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt 543,1 triệu USD, giảm 34,4%. Tuy nhiên ngược lại, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,5 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỉ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,44 tỉ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 485 triệu USD và gần 153 triệu USD.
Nhật Bản hiện dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1,64 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,07 tỉ USD và Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 USD. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ…
Sau 2 tháng, Cần Thơ vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,31 tỉ USD, chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nguyên nhân là do dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2 có công suất thiết kế 1.050 MW với vốn đăng ký 1,31 tỉ USD được trao giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 2 do liên doanh giữa Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng và Tập đoàn Marubeni đến từ Nhật Bản. Đây cũng là dự án có vốn FDI đăng ký lớn nhất vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Tương tự, với dự án LG Display Hải Phòng do Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đầu tư, vốn đăng ký 750 triệu USD đã nâng Hải Phòng lên vị trí thứ 2 trong thu hút vốn FDI trong 2 tháng đầu năm nay với tổng vốn là gần 918 triệu USD. Hay nhà máy Fukang Technology do Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư tại Bắc Giang, vốn đăng ký khoảng 270 triệu USD cũng giúp Bắc Giang đứng thứ ba trong thu hút vốn FDI với gần 573 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM…
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 6,5 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 6,3 tỉ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực FDI đã bù đắp phần nhập siêu 3,9 tỉ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,6 tỉ USD.
Bình luận (0)