Vòng luẩn quẩn xử lý rác thải

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
02/09/2020 07:47 GMT+7

Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, gây nhiều hệ lụy về môi trường, lãng phí.

Điệp khúc tiếp nhận - tạm dừng

Năm 2014, nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ (gọi tắt nhà máy) của Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam (công ty, ở xã Lý Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư ghi ban đầu hơn 32 triệu euro, dự kiến thời gian thi công 18 tháng.
Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án có 5 dây chuyền xử lý rác. Tuy nhiên, đến hết tháng 9.2019, mới chỉ có dây chuyền phân loại rác thải, công suất 245 tấn rác/ngày được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào vận hành phân loại thử (từ tháng 8.2017). Mặc dù vận hành thử nhưng công ty đề xuất nhận thêm rác từ các huyện, thị khác ngoài Đồng Hới và Bố Trạch để cho đủ công suất. Vì vậy, tháng 7.2019, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương thu gom, tập trung vận chuyển rác về nhà máy để xử lý. Từ đó, các huyện, thị xã đã vận chuyển thêm, gồm: H.Lệ Thủy khoảng 24 tấn/ngày; H.Quảng Ninh khoảng 24,3 tấn/ngày và TX.Ba Đồn khoảng 12,5 tấn/ngày; và những địa phương này đã không còn xử lý rác truyền thống như trước đây nữa.
Với việc có nhà máy xử lý và do các bãi rác đã quá tải, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương đóng cửa các bãi rác đã đầy trên địa bàn nhằm xử lý triệt để rác thải theo công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; khẩn trương làm việc cụ thể, ký hợp đồng với Công ty CP môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình để vận chuyển rác thải trên địa bàn đến xử lý tại nhà máy.
Nhưng vừa thay đổi thì cuối tháng 9.2019, công ty có thông báo tạm ngừng tiếp nhận rác để phục vụ lắp đặt, hiệu chỉnh đồng bộ các dây chuyền của nhà máy. Trước tình trạng rác tồn đọng, UBND tỉnh Quảng Bình phải ra công văn yêu cầu các địa phương triển khai thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Phương án đưa ra là đưa rác về những bãi chứa còn hoạt động và có khả năng tiếp nhận. Đáng nói, thời điểm đó, Sở TN-MT Quảng Bình kiểm tra nhà máy thì phát hiện nhiều nguy cơ về môi trường như tồn chứa nhiều rác hữu cơ, phế liệu tách ra từ rác. Công ty còn chôn rác thải phủ đất tại khu đất quy hoạch lắp đặt pin điện mặt trời.
Đến cuối tháng 2 năm nay, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận để nhà máy hoạt động trở lại và yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các quy định; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các dây chuyền xử lý rác thải để đưa nhà máy đi vào hoạt động đồng bộ theo mục tiêu dự án đầu tư.
Thế nhưng trong đợt kiểm tra vào đầu tháng 7 do Sở TN-MT và UBND H.Bố Trạch thực hiện, lại phát hiện tại nhà máy này có vấn đề khi tồn khoảng 1.500 tấn rác chưa qua phân loại. Rác thải từ các huyện chuyển về nhà máy nhưng không được xử lý, buộc phải chuyển lượng rác đó sang bãi rác chung Đồng Hới - Bố Trạch khiến bãi rác này có nguy cơ quá tải.

Chưa có hồi kết xử lý

Trước tình hình đó, ngày 15.7, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức làm việc để tìm phương án giải quyết về hoạt động của nhà máy cũng như bài toán xử lý rác thải tại các huyện, thị trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, ông Trần Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kết luận: Công ty mới đưa vào vận hành dây chuyền phân loại rác thải, chưa hoàn thiện đồng bộ các dây chuyền theo mục tiêu dự án đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động của nhà máy còn một số bất cập như thiếu bộ máy quản lý có kinh nghiệm, thiếu nguồn lực, tồn đọng lượng lớn rác thải (khoảng 3.870 tấn rác hữu cơ...) tại khuôn viên nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, dư luận quan tâm.
Ông Trần Phong yêu cầu tạm dừng việc vận chuyển, tập kết rác thải đến phân loại tại nhà máy cho đến khi nhà máy giải phóng hết số lượng rác tồn đọng và hoàn thiện đưa vào vận hành đồng bộ tất cả dây chuyền xử lý rác thải. Đồng thời yêu cầu công ty khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt, vận hành đồng bộ tất cả dây chuyền xử lý rác thải, như dây chuyền sản xuất phân bón khoáng hữu cơ, sản xuất điện…; thời hạn hoàn thành trước ngày 30.9 (mặc dù giám đốc tài chính dự án cam kết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động đồng bộ trước ngày 31.8 - theo thông báo của Văn phòng UBND tỉnh).
Ngày 12.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Ngọc Tú, đại diện lãnh đạo công ty, cho biết hiện nhà máy đã lắp đặt xong các dây chuyền, tuy nhiên vẫn đang tạm dừng hoạt động. Một vướng mắc khác liên quan là nhà máy chưa được đấu nối với hệ thống điện lưới để tiến hành bán điện.
Về vấn đề này, tại kết luận cuộc làm việc ngày 15.7, ông Trần Phong đã giao Sở Công thương sớm tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị về giá điện để tạo điều kiện cho nhà máy đấu nối. Ngày 13.8, ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình, cho hay do chưa có quy định giá mua điện loại này nên chưa đấu nối bán điện được; Sở đã có văn bản yêu cầu công ty cung cấp tài liệu để nghiên cứu tham mưu văn bản.
Đến ngày 31.8, trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ của Sở TN-MT Quảng Bình cho hay, nhà máy vẫn chưa được hoạt động trở lại do chưa hoàn thiện các dây chuyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.