Phản ánh với Thanh Niên, người dân sống tại tổ dân phố số 5, P.Lãm Hà, Q.Kiến An, cho biết từ khoảng 8 năm nay, ở cuối đường Hoàng Công Khanh (P.Lãm Hà) có một cụm xưởng tái chế rác thải (chủ yếu là rác thải nhựa) hoạt động trái phép suốt ngày đêm và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, cụm xưởng tái chế này nằm sát bờ sông Lạch Tray, với rất nhiều bao tải chứa rác thải nhựa bốc mùi hôi thối được tập kết.
Anh P., một người dân sống gần cụm xưởng tái chế, phản ánh: “Cứ vài ngày lại có xe tải chở rác đến đây tập kết. Trong khi đó, các xưởng tái chế hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng ồn từ các xưởng này khiến người dân ức chế, nhưng kinh khủng nhất là khói có mùi khét gây tức ngực, khó thở”.
Người dân cho biết, rác thải nhựa khi tập kết về đây sẽ được các xưởng phân loại rồi nghiền nhỏ thành hạt, tạo ra tiếng ồn rất lớn. “Những thứ không tái chế được, họ chôn lấp mà không xử lý, hoặc để tràn ra tận sông Lạch Tray”, ông Đ.H (44 tuổi, một người dân cũng ở P.Lãm Hà) nói.
|
Ông Phạm Hữu Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 (P.Lãm Hà), cho biết: “Cụm xưởng này có 3 chủ, là ông Nguyễn Văn Toàn, bà Phạm Thị Mây và ông Lê Văn Nam. Trong đó, xưởng của ông Nam bị cháy từ hồi tháng 6, đến nay chưa hoạt động lại. Trong 2 xưởng còn lại thì xưởng nhà bà Mây, mới chuyển về khu vực này từ năm 2019, gây ô nhiễm nhất”.
Lo lắng cho sức khỏe của mình, người dân tại Tổ dân phố số 5 đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương chấm dứt hoạt động của cụm xưởng tái chế rác thải nhựa này.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Đức Việt, Chủ tịch UBND P.Lãm Hà, xác nhận các xưởng tập kết, tái chế rác của ông Nguyễn Văn Toàn (rộng 1.500 m2), ông Lã Văn Nam (350 m2) và bà Phạm Thị Mây (800 m2) đã gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo ông Việt, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND P.Lãm Hà và Phòng TN-MT Q.Kiến An đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc với chủ các cơ sở. Mới đây, ngày 15.6, UBND P.Lãm Hà đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt cơ sở của bà Phạm Thị Mây 5 triệu đồng, do cơ sở tái chế không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật.
UBND P.Lãm Hà cũng phạt cơ sở của ông Nguyễn Văn Toàn 3 triệu đồng do hoạt động kinh doanh có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường mà không thực hiện.
“Chúng tôi đã yêu cầu các xưởng ngừng hoạt động để đợi kết luận về mức độ ô nhiễm và hướng dẫn cụ thể của UBND Q.Kiến An. Khi nào quận có ý kiến chính thức, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông Bùi Đức Việt nói.
Bình luận (0)