Vụ án gian lận điểm thi: Khi kỳ thi quốc gia được trao quyền cho một nhóm người

18/10/2019 07:49 GMT+7

Phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi chưa từng có trong lịch sử giáo dục đang diễn ra tại Hà Giang và Sơn La.

Có một điểm tương đồng đáng sợ là chính những người chịu trách nhiệm trong điều hành kỳ thi cấp quốc gia tại địa phương nhưng lại chỉ đạo làm trái và đứng trước tòa thì chối bỏ trách nhiệm.

Chỉ nhờ “xem điểm” nhưng lại đưa sẵn mức điểm

Trước tòa, những người chịu trách nhiệm điều hành kỳ thi này như ông Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, đã ra sức chối bỏ trách nhiệm, đổ hết lỗi cho cấp dưới và chỉ nhờ “xem điểm” nhưng không hiểu sao cấp dưới lại... nâng điểm.
Theo cáo trạng và lời khai trước tòa của bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La, ngày 29.6.2018 ông Yến đưa cho bà Nga một danh sách ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt được của từng thí sinh để bà Nga thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong danh sách này.
Tuy nhiên trước tòa, ông Yến nhiều lần quả quyết chỉ đưa danh sách 13 thí sinh để nhờ bà Nga “xem điểm” chứ không hề có ý nói nhờ nâng điểm, cũng không hưởng lợi bất cứ gì về vật chất từ việc “xem điểm” này. Ông Yến khai sở dĩ có danh sách này là vì ngoài ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT) đưa cho ông Yến hai tờ danh sách, còn nhận danh sách từ các ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học; Đinh Hải Sơn, nguyên cán bộ Phòng PA83, Công an tỉnh Sơn La và Nguyễn Văn Hải, trú tại tiểu khu 6, TT.Hát Lót, H.Mai Sơn, Sơn La; một trường hợp khác là cháu của ông Yến.
Về 8 thí sinh mà ông Hoàng Tiến Đức gửi danh sách “nhờ xem điểm”, ông Yến cho rằng: “Bị cáo biết mục đích thủ trưởng nhờ xem trước điểm thi chứ không có ý gì khác”. Mặc dù gửi danh sách thí sinh chỉ để nhờ “xem điểm” nhưng khi HĐXX hỏi sau đó bà Nga có thông báo lại điểm thi của các thí sinh hoặc ông Yến có hỏi lại bà Nga không, thì ông Yến đều trả lời là “không nhận được kết quả từ Nga” và cũng không quan tâm hỏi lại. HĐXX truy: Bị cáo chỉ nhờ xem điểm nhưng trong danh sách mà bị cáo đưa cho bà Nga lại ghi rõ số điểm của thí sinh (ví dụ như 27 điểm) đúng không? Bị cáo Yến đã thừa nhận đúng, nhưng cho rằng đó là số điểm mà “các cháu… tự chấm sau khi thi xong”.
Ngày 17.10, đối chất với ông Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La (hiện là chuyên viên của Sở), ông Hà khai trước khi chấm thi có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của các thí sinh cho một số thành viên ban chấm thi, trong đó có con gái là K. nhờ “xem điểm”. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của ông Hà tại tòa mâu thuẫn với lời khai của con gái mình là K. trước đó. Ông Hà khai, trong tờ thông tin của các thí sinh, bản thân có ghi tổng điểm các môn mà thí sinh tự chấm. Nhưng qua công bố lời khai, K. xác nhận là chưa bao giờ tự chấm điểm nên không thể có số điểm dự kiến để đưa vào danh sách.
Bị cáo Trần Xuân Yến và hầu hết những người làm chứng đều khai trước tòa rằng “chỉ nhờ xem điểm” chứ không hề nhờ nâng điểm cho con em hoặc con của người quen biết, hàng xóm… nhưng các thí sinh này đều được nâng điểm và đỗ vào các trường danh tiếng, có mức điểm chuẩn tốp đầu như ĐH Y, các trường công an, quân đội… Các thí sinh này đều bị nhà trường cho thôi học vì điểm chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT giảm rất nhiều, có trường hợp giảm tới hơn 2/3 số điểm đã công bố.
Ngoài ra, dù người nhà của 44 thí sinh được nâng điểm không nhận việc nhờ vả và được thỏa thuận bằng tiền nhưng các bị cáo trực tiếp làm việc này như Nga, Thủy, Sọn đều đã nộp lại cơ quan điều tra số tiền hàng tỉ đồng vì “đó là tiền người nhà thí sinh được nâng điểm cảm ơn”.

“Lách luật” để không niêm phong ngay bài thi

Suốt 3 ngày diễn ra phiên tòa ở Sơn La, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga nhiều lần nhắc lại lời khai về việc bàn với phó giám đốc của mình là bị cáo Yến về việc nếu muốn nâng điểm bài thi trắc nghiệm theo như ông Yến chỉ đạo thì chỉ có cách duy nhất là rút bài thi ra tô lại đáp án sai thành đúng trong bài làm của thí sinh. Muốn làm được như vậy thì chỉ có cách là không niêm phong túi đựng bài thi và có hỗ trợ của công an làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực bảo quản bài thi. Bà Nga khai đề xuất này đã được ông Yến đồng ý. Trên thực tế, việc rút bài thi đã được bà Nga và các đồng phạm thực hiện rất dễ dàng, thậm chí mang bài thi về nhà riêng để sửa trong đêm, sau đó lại mang trả lại như chỗ… không người.
Ngày 17.10, HĐXX đặc biệt quan tâm xét hỏi xung quanh chi tiết niêm phong túi, hòm đựng bài thi và cửa ra vào khu vực chấm thi trắc nghiệm sau lời khai của bà Nga.

Người chịu trách nhiệm chính chấm thi đã sai phạm gì ? 

Những lời khai của bị cáo đã khiến đại diện Viện Kiểm sát Sơn La đưa ra nhận định tại tòa: có 7/8 bị cáo thành khẩn khai nhận, trừ bị cáo Yến.
Trong khi đó, theo cáo trạng, Trần Xuân Yến với nhiệm vụ là Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm (chịu trách nhiệm chính) giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên và chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm. Ông Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho bà Nga để sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh; Cho phép Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn rút bài thi sửa nâng điểm. Ông Yến không trực tiếp tham gia việc sửa bài thi, nhưng từ việc không chỉ đạo niêm phong lại ngay các bài thi sau khi quét, ông Yến đã tạo điều kiện cho các bị can dễ dàng thực hiện việc rút, sửa bài nâng điểm và quét lại bài thi trong các ngày 29, 30.6.2018 và ngày 1, 3.7.2018. Khi thanh tra, kiểm tra ông Yến chỉ đạo bà Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.
Dù cấp dưới trực tiếp làm nhiệm vụ chấm thi cho rằng nếu làm đúng thì phải tiến hành niêm phong ngay sau khi quét bài thi nhưng không làm như vậy do được sự đồng ý của “sếp Yến”. Khi được xét hỏi vì sao không tiến hành niêm phong ngay sau khi quét bài thi, bị cáo Trần Xuân Yến viện dẫn quy chế thi THPT quốc gia và công văn hướng dẫn thi của Bộ năm 2018 để cho rằng Bộ chỉ quy định niêm phong sau khi quét chứ không có câu nào yêu cầu phải “niêm phong ngay”.
Việc Bộ GD-ĐT bổ sung quy định (từ năm 2018) phải dán tem niêm phong các thùng đựng bài thi, cửa ra vào khu vực chấm thi bằng loại giấy mỏng, dễ rách cũng bị các bị cáo vô hiệu hóa bằng cách ký sẵn cả tập tem niêm phong mà không ai kiểm soát tem thừa dùng vào việc gì.
Bị cáo Đỗ Khắc Hưng, nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La, được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia giám sát, bảo vệ, quản lý chìa khóa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thừa nhận tem niêm phong được chính bị cáo và một cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra của Sở GD-ĐT là ông Đinh Văn An ký sẵn cả tệp. Ông Đinh Văn An thì khẳng định trước tòa sau khi dán xong nếu còn thừa ông sẽ trực tiếp tiêu hủy số tem niêm phong (có sẵn chữ ký), nhưng bị cáo Hưng có làm như vậy không thì ông không nắm được.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.