Nên hướng dẫn người vi phạm từ đầu
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 26.10, ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ P.An Hoà, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), người bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD nơi không được phép thu đổi ngoại tệ, cho biết đã gửi đơn lên UBND TP.Cần Thơ xin xem xét miễn phạt.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại vào ngày 26.10, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Việc xử phạt ông Rê là đúng quy định pháp luật nhưng đây là vụ việc xử lý chưa từng có tiền lệ ở Cần Thơ. UBND thành phố sẽ cho xác minh, nếu đúng ông Rê khó khăn, không có khả năng đóng phạt thì xem xét miễn giảm mức phạt”.
tin liên quan
Đổi USD, bị phạt: Ông Cà Rê than 'khổ muốn chết' khi bị nói là 'chim mồi' Về quy trình để miễn giảm cho ông Rê, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, Trần Quốc Hà cho biết Thống đốc NHNN đã giao cho chi nhánh Cần Thơ tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ tìm hướng giải quyết sự việc. Cũng theo ông Hà, hàng tháng, các chi nhánh NHNN, trong đó có chi nhánh Cần Thơ, có trách nhiệm tổng hợp các vướng mắc khó khăn gửi NHNN để xử lý. Vụ việc xử phạt ông Nguyễn Cà Rê sẽ được báo cáo cụ thể để NHNN xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn hơn.
|
“Nhưng cũng phải khẳng định rằng Nghị định 96/2014/NĐ-CP nhằm ngăn chặn những người buôn bán kiếm lời chứ không phải nhắm vào người bán lẻ như ông Rê để phạt. Tuy nhiên, khi đi vào trường hợp cụ thể này thì thấy chưa hợp lý. Giả sử ông Rê đổi 10.000 USD sẽ khác. Phải chi ngay khi lập biên bản vi phạm, cơ quan chức năng nhận thấy sự bất hợp lý trên và hướng dẫn cho người vi phạm các thủ tục xin miễn, giảm trình lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ thay vì đề nghị phạt 80 - 100 triệu đồng, hướng xử lý đã tốt hơn, không khiến dư luận bị sốc”, ông Hà nói.
tin liên quan
Đổi 100 USD, 1 người bị phạt 90 triệu, 1 công ty bị phạt 295 triệuSốc nhưng cũng có tích cực
Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ cho rằng vụ việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” cũng có mặt tích cực là khiến người dân quan tâm hơn tới những quy định liên quan đến việc mua bán ngoại tệ, chính sách tiền tệ cuả Nhà nước.
Phân tích rộng hơn về quản lý cũng như chính sách tiền tệ, ông Hà cho biết mục tiêu của Việt Nam là đưa đồng tiền VNĐ trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi giống như ngoại tệ của các nền kinh tế thị trường phát triển khác, tức là ra nước ngoài vẫn có thể đổi được, không sơ rủi ro mất giá. Để xây dựng được một đồng tiền tự do chuyển đổi là điều không hề dễ dàng, phải đạt được mục tiêu ổn định nền kinh tế, ổn định tiền tệ. Ngay như nền kinh tế hiện thứ nhì thế giới như Trung Quốc, thì đồng Nhân dân tệ của nước này cũng mới được công nhận đồng tiền tự do chuyển đổi 4 - 5 năm nay.
“Mấy năm gần đây việc xây dựng đồng tiền VNĐ đã có nhiều kết quả tích cực. Nhìn lại nhiều năm trước người ta còn mua bán nhà cửa, đất đai bằng vàng, đô la chứ không phải bằng tiền Việt. Đặc biệt là tình trạng mua bán đô la bát nháo ngoài chợ đen rất phổ biến. Tới nay thì những vấn đề trên đã bị hạn chế rất nhiều”, ông Hà nói và cho rằng điều này cho thấy các quy định xử phạt các hành vi mua, bán ngoại tệ phát huy hiệu quả.
|
Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, Nghị định 96/2014/NĐ-CP là để hạn chế tối đa hành vi, mua bán trái phép đô la, chống đô la hoá. Xây dựng một Nghị định là rất công phu, phải lấy ý kiến tất cả các bộ ngành, được giám định, thẩm định và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp thậm chí ở một số lĩnh vực phải lấy ý kiến chuyên gia.
Cũng theo ông Hà, Nghị định 96/2014/NĐ-CP4 đã xây dựng và áp dụng khá lâu, không thể kỳ vọng một Nghị định hay một thông tư nào đúng suốt đời. "Ngay trong trường hợp này đã bộc lộ những điểm chưa ổn thì cần nghiên cứu xem xét sửa lại cho phù hợp thực tế cuộc sống thay đổi hằng ngày", ông Hà chia sẻ.
Bình luận (0)