Nhiều tài khoản hàng chục tỉ đồng bỗng "bốc hơi"
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện pháp luật của bà Nguyễn Thị L. (trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ 8.9 - 5.10.2023, bà đã 12 lần gửi tổng số tiền 58,6 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Trong tháng 10.2023, bà L. đến ngân hàng rút tiền mới phát hiện tài khoản của mình chỉ còn 93.640 đồng, hàng chục tỉ đồng của mình đã "không cánh mà bay".
Bà Vũ Thị Kim O. (trú Q.Ba Đình, Hà Nội) cho hay, tháng 3.2021, bà được mời mở tài khoản MSB. Từ 30.3.2021, bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản để giao dịch qua ngân hàng này. Sau nhiều lần giao dịch, số dư tài khoản của bà O. theo xác nhận của ngân hàng đến ngày 5.10.2023 là 27,7 tỉ đồng.
Ngày 12.10.2023, bà O. yêu cầu sao kê tài khoản thì phát hiện số dư chỉ còn 46.328 đồng. Bảng sao kê thể hiện nhiều giao dịch chuyển, rút tiền không phải bà O. yêu cầu hay thực hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết sau khi nhận tố cáo, ngày 18.10.2023, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cá nhân MSB chi nhánh Thanh Xuân, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, công an xác định bị can này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với tổng số tiền lên đến 338 tỉ đồng.
"Cơ quan công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm, vụ việc đang được tiếp tục điều tra", thiếu tướng Tùng cho biết và đề nghị bị hại liên hệ với Công an TP.Hà Nội để phối hợp điều tra.
Vụ khách hàng mất 58 tỉ trong tài khoản: Bắt giám đốc MSB Thanh Xuân
MSB có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng?
Luật sư đại diện cho 2 khách hàng kể trên cho hay, giao dịch gửi và chuyển tiền vào tài khoản mở tại MSB của 2 khách hàng là giao dịch tiền tệ giữa khách hàng với ngân hàng chứ không phải giao dịch cá nhân với cá nhân. Trường hợp cán bộ hoặc giám đốc các chi nhánh MSB có những hành vi lừa đảo khách hàng mà cán bộ lãnh đạo, pháp chế, kiểm soát… của ngân hàng không phát hiện, xử lý và để mất tiền của khách hàng thì MSB phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Dẫn chứng quy định tại điểm g khoản 2 điều 6 Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước thể hiện tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ "chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản thanh toán của khách hàng do lỗi của mình", luật sư đại diện của 2 khách hàng kể trên cho rằng việc thân chủ mình khiếu nại đòi tiền là đúng, MSB phải có trách nhiệm thanh toán cả gốc và lãi, chứ không phải chờ kết luận của cơ quan pháp luật.
"Bà L. và bà O. là khách hàng của ngân hàng, gửi tiền vào tài khoản do ngân hàng cấp, 2 khách hàng này không ủy quyền cho ai và không tự mình rút tiền, mà tiền bị biến mất là thuộc trách nhiệm của ngân hàng. Trong vụ việc này, MSB là bị hại nếu trường hợp bà Bùi Thị Hoài Anh lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, và ngân hàng vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", luật sư đại diện cho bà L. và bà O. nêu quan điểm, đồng thời cho rằng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để xác định rõ trách nhiệm trong vụ việc này.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TAT Law Firm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho hay dưới góc độ dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng hay tổ chức tín dụng được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro. Kể từ khi chuyển giao tiền, người gửi chấm dứt quyền sở hữu, trở thành bên cho vay nên có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.
"Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao thì kèm theo chuyển quyền sở hữu, vậy nên bên bị thiệt hại trong trường hợp này phải là ngân hàng", luật sư Tú phân tích.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho hay gửi tiền là quan hệ dân sự giữa khách và ngân hàng, do vậy, ngân hàng không thể đứng ngoài trong việc giải quyết hậu quả, dù lỗi gì thì lỗi.
"Rõ ràng quan điểm là tôi (khách hàng - PV) gửi tiền vào và trong hợp đồng gửi, giữ và theo luật Dân sự thì anh (ngân hàng - PV) phải bảo đảm và anh phải nâng cao trách nhiệm. Bây giờ gửi tiền phần lớn thông qua điện tử, máy tính do vậy anh phải nâng cao quản trị, nâng cao thiết bị an toàn để bảo đảm tiền của khách hàng, tránh rủi ro. Trong vụ việc này, ngân hàng cũng là nạn nhân, anh không quản trị tốt, để mất thì anh phải đền", luật sư Tiền cho hay.
Theo luật sư Tiền, trong vụ việc, nếu bà Hoài Anh là người đứng đầu MSB mà chiếm đoạt tiền thì cá nhân bà Hoài Anh phải chịu trách nhiệm. "Muốn nói gì thì nói, ngân hàng không thể đứng ngoài vụ việc này được, nếu như thế này thì ai còn dám gửi tiền cho anh nữa", luật sư Tiền cho hay.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 29.3
Bình luận (0)