Vụ giật iPhone 12 bán lấy tiền tiêu xài: VKS kháng nghị tăng án, tòa tuyên y án

03/06/2022 16:16 GMT+7

Hai bị cáo Phạm Vinh Quang và Lê Mạnh Dũng rủ nhau đi giật iPhone 12 bán lấy tiền tiêu xài. Xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát (VKS) có kháng nghị tăng án, HĐXX tuyên y án sơ thẩm.

Ngày 3.6, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM.

HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo Phạm Vinh Quang 2 năm 6 tháng tù, bị cáo Lê Mạnh Dũng (cùng 21 tuổi, ngụ TP.HCM) 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội “cướp giật tài sản”.

Theo nội dung bản án sơ thẩm tháng 2.2022 của TAND Q.7, khoảng 10 giờ ngày 30.12.2020, Quang nhắn tin rủ Dũng đi cướp giật tài sản bán lấy tiền tiêu xài. Dũng đồng ý và lấy xe máy đến nhà chở Quang.

Khi đến đường Lâm Văn Bền, Q.7, Dũng phát hiện chị T.M.T (bị hại trong vụ án) ngồi phía sau xe chị N.N.T có cầm điện thoại nên chạy xe bám theo. Đến cổng số 7, Trường đại học Tôn Đức Thắng (Q.7), Dũng tăng ga áp sát xe chị N.T và giật điện thoại của chị M.T rồi tẩu thoát.

Dũng chở Quang đến tiệm cầm đồ để bán điện thoại cho anh P. được 18 triệu đồng. Dũng chia cho Quang 8 triệu đồng và giữ 10 triệu đồng.

Theo kết luận định giá tài sản, điện thoại của chị T. trị giá 25,6 triệu đồng. Tại CQĐT, Dũng và Quang thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Dũng đã tự nguyện bồi thường 18 triệu đồng cho anh P.

Viện KSND TP.HCM kháng nghị tăng án

Sau phiên xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với 2 bị cáo, không cho bị cáo Dũng được hưởng án treo.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) cho rằng các bị cáo phạm tội “cướp giật tài sản” thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù. Các bị cáo đã bán điện thoại, nhận tiền và trị giá tài sản 25,6 triệu đồng nhưng cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1, Điều 51 bộ luật Hình sự (BLHS) “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” là không có căn cứ.

Hai bị cáo Phạm Vinh Quang và Lê Mạnh Dũng (áo xám) tại phiên tòa phúc thẩm

SONG MAI

Do không áp dụng khoản 1, Điều 51 BLHS nên bị cáo Quang chỉ được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Quang 2 năm 6 tù là vi phạm Điều 54 BLHS về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

Đối với bị cáo Dũng đã chuẩn bị xe và chở Quang đuổi theo giật điện thoại bị hại. Khi bán điện thoại để chia tiền, Dũng nhận phần nhiều hơn. Theo VKS, Dũng đóng vai trò chính trong vụ án. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Dũng 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là không phù hợp.

Ngoài ra, tại biên bản ghi lời khai ban đầu, Dũng và Quang đều khai vào khoảng tháng 1.2021, các bị cáo đã giật điện thoại của một người phụ nữ tại Bến Vân Đồn (Q.4). Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi trên. Cấp sơ thẩm đã không thực hiện hết các hoạt động điều tra, xác minh mà căn cứ vào lời khai đã thay đổi của các bị cáo để xác định các bị cáo có phạm tội 2 lần hay không, là thiếu sót.

Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị, tuyên bị cáo Quang và Dũng cùng từ 3 - 4 năm tù về tội “cướp giật tài sản”.

HĐXX nhận định, trong vụ án tài sản đã được thu hồi và trả lại cho người bị hại. Do đó, thiệt hại về tài sản là chưa xảy ra, đây là tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”. Phía bị hại cũng có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau khi xảy ra vụ án, bị cáo Quang đã đầu thú, bị cáo Dũng đã tự nguyện bồi thường 18 triệu đồng, cha của bị cáo từng tham gia quân đội. Nên các bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 BLHS. Vì vậy, cấp sơ thẩm áp dụng tuyên các bị cáo mức án dưới khung hình phạt là có cơ sở.

Ngoài ra, bị cáo Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, việc làm ổn định. Cấp sơ thẩm tuyên mức án treo đối với bị cáo và ấn định thời gian thử thách để đảm bảo cho việc giáo dục, cải tạo bị cáo là có cơ sở.

Tại phiên tòa phúc thẩm, 2 bị cáo có khai việc cướp giật tài sản ở Q.4, CQĐT đã xác minh được vấn đề này nhưng không xác minh được bị hại. HĐXX xét thấy, đây là lời khai của bị cáo, không còn chứng cứ chứng minh, nên không thể xem xét.

Vì vậy, HĐXX không có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.