Vụ hối lộ 30 tỉ đồng ở Quảng Ninh: Sai phạm chỉ gói gọn tại sở GD-ĐT?

19/06/2023 12:53 GMT+7

Trong vụ án vi phạm đấu thầu và hối lộ xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, Viện KSND tối cao từng trả hồ sơ để yêu cầu điều tra về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể thuộc UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh và Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 17 bị can về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ thông thầu thiết bị giáo dục xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Có 4 bị can bị đề nghị truy tố thêm tội danh thứ hai, gồm: Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Công ty NSJ, tội đưa hối lộ; Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh); Hà Huy Long, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh), cùng tội nhận hối lộ.

Vụ hối lộ 30 tỉ ở Quảng Ninh: Sai phạm chỉ gói gọn tại Sở GD-ĐT? - Ảnh 1.

7 trong số 17 bị can bị đề nghị truy tố vụ vi phạm đấu thầu tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh

BỘ CÔNG AN

“Đi đêm” với quan chức để thâu tóm thầu

Kết luận điều tra cho thấy, Chủ tịch Công ty NSJ Hoàng Thị Thúy Nga và Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh vốn quen biết nhau. Năm 2016, hay tin Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị dạy học, bà Nga đến gặp bà Oanh, bày tỏ mong muốn được tham gia đấu thầu và được bà Oanh đồng ý.

Có tín hiệu “đèn xanh" từ lãnh đạo sở, bà Nga chỉ đạo nhân viên thực hiện "quy trình 93 bước" để thâu tóm các gói thầu. Đặc biệt, bà Nga và bà Oanh bàn bạc, thống nhất về việc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ phối hợp cùng nhân viên Công ty NSJ thực hiện lập dự án mua sắm, hoàn thiện thủ tục để trình UBND tỉnh và các sở, ngành.

Theo chỉ đạo, nhân viên dưới quyền bà Nga và cấp dưới của bà Oanh cùng nhau thống nhất về số lượng trường, lớp, danh mục, số lượng và giá thành hàng hóa.

Xem nhanh 12h ngày 19.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, bà Nga chỉ đạo nâng giá thiết bị ngay từ thời điểm trước khi thiết bị giáo dục được nhập khẩu vào Việt Nam, bằng việc ký hợp đồng với các công ty trung gian thay vì ký trực tiếp với hãng sản xuất. Hàng hóa sau khi về nước sẽ tiếp tục được mua đi bán lại giữa các công ty do bà Nga chi phối, hòng nâng giá thêm một lần nữa trước khi đưa vào các gói thầu.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2016 - 2019, công ty của bà Nga trúng 6 gói thầu với tổng giá trị hơn 636 tỉ đồng. Trong số này, chỉ tính riêng tại 2 gói thầu mua sắm thiết bị mầm non và tiểu học năm 2019 (tổng giá trị hơn 323 tỉ đồng), cơ quan điều tra cáo buộc thiệt hại là hơn 80 tỉ đồng. 4 gói thầu còn lại chưa đủ căn cứ để xác định.

Vụ hối lộ 30 tỉ ở Quảng Ninh: Sai phạm chỉ gói gọn tại Sở GD-ĐT? - Ảnh 2.

2 bị can Vũ Liên Oanh (trái) và Hoàng Thị Thúy Nga

PHÚC BÌNH

Đáng chú ý, sau khi hoàn tất mỗi gói thầu, Chủ tịch NSJ Hoàng Thị Thúy Nga đều mạnh tay chi tiền hối lộ để “cảm ơn” các quan chức và cán bộ tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh. Bà Vũ Liên Oanh nhận 14 tỉ đồng; ông Ngô Vui nhận 14,8 tỉ đồng; ông Hà Huy Long nhận 1,855 tỉ đồng.

Đến nay, 3 bị can Oanh, Vui, Long đều thừa nhận hành vi nhận tiền như cáo buộc; ngược lại, bị can Nga một mực phủ nhận, khai không có chuyện bàn bạc hay đưa tiền cho các cựu cán bộ.

3 sở, ngành đều vô can

Một câu hỏi được đặt ra ở vụ án này: vì sao Công ty NSJ có thể thâu tóm các gói thầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian dài, với giá trị rất lớn; sai phạm liệu có gói gọn tại sở GD-ĐT với 4 bị can bị đề nghị truy tố, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khác có liên quan?

Theo quy định, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ninh có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền; UBND tỉnh tổ chức thực hiện ngân sách tỉnh, nhiệm vụ kinh tế - xã hội…

Trong bản kết luận lần đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định quá trình triển khai 6 gói thầu, cả sở KH-ĐT, sở tài chính và UBND tỉnh Quảng Ninh đều đã thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Viện KSND tối cao sau đó ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung 3 nội dung, trong đó làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc 3 cơ quan nêu trên trong việc phê duyệt chủ trương lập dự án, phân bổ nguồn vốn… để xử lý theo quy định.

Vụ hối lộ 30 tỉ ở Quảng Ninh: Sai phạm chỉ gói gọn tại Sở GD-ĐT? - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Thúy Nga trong phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Sở Y tế TP.Cần Thơ

NGỌC DƯƠNG

Tại bản kết luận bổ sung mới ban hành, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an một lần nữa khẳng định không có sai phạm ở cả 3 cơ quan của tỉnh Quảng Ninh.

Với Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập tài liệu, ghi lời khai các nhân viên tham gia thực hiện dự án. Kết quả xác định việc thẩm định giá được sở này thực hiện dựa trên chứng thư thẩm định giá của công ty tư vấn thẩm định giá, các báo giá do sở GD-ĐT cung cấp và tham khảo thông tin giá trên thị trường.

Khi thực hiện, không ai biết Công ty NSJ thông đồng với sở GD-ĐT trong việc lập dự án, đưa các danh mục, thông số kỹ thuật, giá bán nâng khống vào dự án; cũng không biết Công ty NSJ lập các báo giá khống cung cấp cho chủ đầu tư để trình các sở, ban, ngành phê duyệt.

“Họ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật; không quen biết, gặp gỡ, liên hệ với Hoàng Thị Thuý Nga và không được hưởng lợi gì”, kết luận nêu.

Tương tự, tại sở KH-ĐT và UBND tỉnh, các cá nhân liên quan đều thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; không ai quen biết, gặp gỡ, liên hệ với Chủ tịch Công ty NSJ; không được hưởng lợi gì; không có sự thông đồng trong việc phê duyệt chủ trương lập dự án hoặc phân bổ nguồn vốn trái quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.