Vụ ngang nhiên đập phá nhà dân: Bồi thường, được bãi nại, liệu có thoát tội?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
08/08/2019 06:28 GMT+7

Mặc dù chủ nhà có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự, chấp nhận bãi nại, thì các chuyên gia pháp luật cho rằng những người ngang nhiên đập phá nhà dân vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như Thanh Niên đưa tin, khoảng 10 giờ ngày 26.7, hơn 10 người trong đó một số mặc áo có chữ vệ sĩ và có trang bị công cụ hỗ trợ, đưa máy múc tới trước nhà của anh Võ Đắc Lộc (31 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa) rồi ngang nhiên đập phá nhà dân.
Bà Đào Thị Bạch Lê (40 tuổi) cùng chồng là Phạm Thành Vinh (40 tuổi, ngụ TT.Bến Lức, H.Bến Lức, Long An), thừa nhận việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Cũng theo vợ chồng ông Vinh, bà Lê, 2 ngày sau khi xảy ra vụ việc, hai vợ chồng bà có đến gặp gia đình anh Lộc để xin lỗi và bồi thường 50 triệu đồng nhà hư hỏng, hỗ trợ 150 triệu đồng để anh Lộc khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Phía gia đình anh Lộc cũng đã chấp nhận viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự, đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án, chấp nhận bãi nại cho bà Lê. Hiện Cơ quan điều tra Công an H.Thủ Thừa đang điều tra vụ việc.
Mặc dù phía chủ nhà có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự, rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, chấp nhận bãi nại, nhưng các chuyên gia pháp luật vẫn nhận định những người ngang nhiên đập phá nhà dân phải chịu chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật, CQĐT vẫn có thể tiến hành điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, hành vi của bà Đào Thị Bạch Lê, Phạm Thành Vinh cùng nhóm vệ sĩ có trang bị công cụ hỗ trợ, đưa máy múc tới rồi ngang nhiên đập phá nhà anh Võ Đắc Lộc đã đủ dấu hiệu cấu thành “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung là có tổ chức.
Theo LS Vũ, tùy tính chất mức độ của hành vi và giá trị thiệt hại tài sản càng lớn thì mức hình phạt càng cao, thấp nhất là 6 tháng, cao nhất lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại

LS Vũ cho rằng, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự cho nên gia đình anh Võ Đắc Lộc đã nhận bồi thường và có đơn bãi nại, không yêu cầu khởi tố thì vụ án cũng không thể đình chỉ, vụ án vẫn tiếp tục bị điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử theo đúng quy định.
Theo đó, việc bồi thường cho bị hại và có đơn bãi nại sẽ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đã khắc phục hậu quả.
Đồng quan điểm với LS Vũ, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn Ls TP.HCM) cũng khẳng định hành vi của nhóm người nêu trên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Mặc dù gia đình bị hại có đơn bãi nại nhưng vụ án cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra, có căn cứ sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam.
LS Trang cho rằng, theo điều 155 Bộ luật hình sự về "khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại" thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại...
Vậy tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác không nằm trong các tội danh liệt kê trong điều 155, các cơ quan tố tụng vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự của nhóm người đập phá nhà cửa nói trên theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.