Tại cuộc họp báo chiều 28.3 ở Hà Nội, đại diện các đơn vị liên quan như chủ đầu tư (CĐT) là Tập đoàn điện lực VN (EVN), tư vấn thiết kế, thi công, ngay cả Hội đồng nghiệm thu nhà nước không hề lên tiếng nhận trách nhiệm... vụ rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2, dù Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.
|
Ém thông tin rò rỉ nước
|
Theo Bộ Công thương, theo kết quả kiểm tra khảo sát ban đầu tại hiện trường do các đoàn công tác của EVN, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ Công thương thực hiện, nguyên nhân thấm do thấm qua kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa Omega) và một số vị trí khác; một số lỗ thu nước sát tấm Omega và một số lỗ thu khác ở hành lang bị tắc, không thu gom triệt để nước thấm về hành lang thu nước, nên dòng thấm rò rỉ theo các khe nhiệt chảy ra hạ lưu đập. Đặc biệt, biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang chưa phù hợp đã làm tắc dòng nước chảy vào hành lang thu nước, làm tăng lượng thấm về hạ lưu (trong thiết kế không cho phép tràn ra hạ lưu).
Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế dự án thủy điện Sông Tranh 2 - cho rằng việc rò rỉ thấm nước tại Sông Tranh không thể gây ra mất ổn định, mà là khiếm khuyết cần phải xử lý. “Các chỉ tiêu an toàn trọng lực của đập theo nghiệm thu đều vượt chỉ tiêu thiết kế. Có thể ví như hình ảnh một dòng suối đang chảy, khi đặt một hòn đá đủ trọng lượng thì đá không bị trôi”.
Ông Sơn cũng thừa nhận khiếm khuyết chính là “lượng nước thấm hơi lớn”, nhưng vẫn đang trong quá trình khắc phục các khiếm khuyết sau khi tích nước, bởi Sông Tranh 2 chưa phải quá trình nghiệm thu cuối cùng. “Nếu đặt ra câu hỏi việc tích nước có liên quan đến an toàn đập không. Câu trả lời là không. Hiện tượng thấm nước là qua các khe nhiệt, các đoàn nghiên cứu chỉ ra các kết cấu của khe nhiệt có khiếm khuyết, phải khắc phục việc đó”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, “cách khắc phục tại công trường thiếu sót, chưa đúng dẫn đến việc nước tràn ra hạ lưu. Có an toàn ổn định hay không, cơ quan tư vấn tôi khẳng định có”. Vì khi xả lũ tràn, lưu lượng lũ là 13.000 - 14.000 m3/s đập cũng không đổ. Nhưng về lâu dài, không cho phép lượng nước thấm về hạ lưu đập, vì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng đập.
Đáng chú ý, theo ông Trần Văn Được, Phó TGĐ EVN, tập đoàn này đã không nhận được báo cáo về hiện tượng thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 trong tháng 2. Mãi đến cuộc họp tháng 3.2012, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 3 mới có báo cáo.
Lượng thấm không bình thường
|
Lưu lượng thấm nước 30 lít/giây được nhiều chuyên gia khẳng định là rất lớn, nguy hiểm, ông Sơn cho rằng nếu áp theo tiêu chuẩn của thế giới thì lượng thấm này là bình thường. “Nhưng quan điểm của chúng tôi đánh giá là không bình thường, vì lượng thấm tập trung vào 4 khe nhiệt, phải tập trung xử lý để đưa về trạng thái bình thường. Xử lý có thể mất một vài tháng, nhưng không gây ảnh hưởng đến độ ổn định của đập”, ông Sơn nói.
Cuối tháng 11.2011 đã xảy ra hiện tượng rung động tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam) - khu vực hồ thủy điện Sông Tranh. Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN, hiện tượng động đất kích thích có cường độ lớn nhất quan trắc được tại đây là 3,3 độ Richter. Bộ Công thương cho rằng, hiện tượng xảy ra động đất kích thích trong quá trình hồ chứa tích nước là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 5 năm. Ngoài ra, công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế chịu động đất cấp 7, tương đương 5,5 độ Richter, nên các đợt động đất vừa qua không ảnh hưởng đến an toàn đập.
Tuy nhiên, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vẫn bày tỏ lo ngại về việc hai sự kiện động đất và việc rò rỉ, thấm nước từ thượng lưu xuống hạ lưu đập Sông Tranh 2 có liên quan tới nhau hay không? “Nhân dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam còn nhiều lo lắng. Tôi cho rằng lo lắng của nhân dân là chính xác. Các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học cần có thống nhất. Tỉnh cũng thống nhất với ý kiến của các nhà khoa học và văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần sớm có đánh giá bằng văn bản của nhà nước, của cơ quan có trách nhiệm, để tuyên truyền cho người dân. Cũng cần đánh giá lại tổng thể toàn bộ công trình để có xử lý căn cơ hơn”, ông Thu đặt vấn đề.
Đáp lại, ông Vượng cho rằng “văn bản số 14 của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có, có lẽ chưa đến tỉnh Quảng Nam nên anh Thu còn lo lắng”. Ông Vượng cũng dẫn lại kết luận trên thế giới có các đập thủy điện lớn như Sông Tranh 2 cũng có xảy ra động đất kích thích. Thủy điện Hòa Bình đã xảy ra động đất kích thích 5,5 độ Richter nhưng vẫn hoạt động bình thường, sau 5 năm không còn động đất nữa.
Ai phải chịu trách nhiệm?
|
Trả lời câu hỏi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã đánh giá thông qua nghiệm thu một phần thủy điện Sông Tranh 2, khi xảy ra sự cố có phải chịu trách nhiệm hay không? Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ủy viên Hội đồng nghiệm thu nhà nước, cho rằng: “Không ai có thể dự báo được việc rò rỉ, thấm nước, nhưng việc này có thể xảy ra. Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước vào tháng 10.2011, trước khi tích nước, toàn bộ hệ thống không có vấn đề gì. Nghiệm thu là bê tông đạt yêu cầu, các số liệu quan trắc đủ điều kiện. Còn việc có thể trục trặc chỗ này chỗ kia chúng ta sẽ phải khắc phục. Không ai dự báo được công trình này sẽ hỏng”.
Theo ông Hùng, “để phát hiện thấm hay không, chỉ rò một lỗ kim trên 35.000m2 là thấm. Giống như mái nhà, nếu không có nước ai khẳng định được mái nhà sẽ thấm. Còn về việc hội đồng có trách nhiệm gì? Theo quy định, chức năng của hội đồng là kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của CĐT, nhà thầu trong xây dựng công trình thông qua hồ sơ và định kỳ kiểm tra. Sau khi tích nước xảy ra vấn đề gì là trách nhiệm của CĐT và nhà thầu phải khắc phục, sửa chữa. Hội đồng chỉ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và khẳng định đập có an toàn hay không”.
Còn theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, “EVN là CĐT thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị trực tiếp quản lý thi công, vận hành nhà máy. Chất lượng nhà máy tốt hay xấu đầu tiên do CĐT chịu trách nhiệm. Với sự cố tại Sông Tranh 2, rò rỉ, thấm nước từ thượng lưu ra mái đập hạ lưu, dù chưa ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đập, nhưng đây là hiện tượng chưa được phép của thiết kế. Thời gian qua xác định nguyên nhân là các ống thu nước đổ vào 3 hành lang thoát nước bị tắc, nên chảy về phía hạ lưu. Lý do tắc, vì việc xử lý của nhà máy không đúng quy trình, không được tư vấn thiết kế thông qua là nguyên nhân trực tiếp. Sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan”.
Ông Vượng cũng khẳng định: “Khi nói đập an toàn, ổn định chúng ta phải có trách nhiệm về tuyên bố của mình. Khẳng định an toàn nhưng không chủ quan, đây là đảm bảo an toàn cao nhất, còn an toàn tuyệt đối hay không thì ngay với các nhà máy điện hạt nhân cũng không ai dám khẳng định”.
Mai Hà
>> Vụ rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2: Cách xử lý chưa ổn
>> Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ: EVN trốn tránh sự thực
>> Phải khắc phục triệt để nước thấm tràn qua mái đập hạ lưu
>> Vụ thủy điện sông Tranh 2 gặp sự cố: Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
>> Sau một tuần vẫn chưa khắc phục sự cố
>> Vẫn bất an với thủy điện Sông Tranh 2
>> Tính mạng người dân là trên hết
>> “Đừng chủ quan với sinh mạng người dân”
>> Vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2: Cơ quan chức năng khẳng định đập an toàn
>> Lo lắng về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 thấm nước
>> Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2
>> Vết nứt trên thủy điện sông Tranh: Đang xử lý giảm độ thấm
Bình luận (0)