Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: 'Mọi người đều theo lệnh của anh Nam'
20/12/2014 14:47 GMT+7
(TNO) Những người bị nạn trong vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng) gọi vui anh Phạm Viết Nam là "đại ca". Anh Nam cũng chính là 'ông chủ' chỉ huy những người bị nạn duy trì sự sống suốt 4 ngày mắc kẹt trong hầm trong khi chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
Tự động phát
(TNO) Những người bị nạn trong vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng) gọi vui anh Phạm Viết Nam là "đại ca". Anh Nam cũng chính là 'ông chủ' chỉ huy những người bị nạn duy trì sự sống suốt 4 ngày mắc kẹt trong hầm trong khi chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu.
|
Anh Nam đang kể lại vụ sập hầm
|
Anh Phạm Viết Nam còn có em dâu là Đặng Thị Hồng Ngọc và em con chú là Phạm Viết Lành bị kẹt lại hầm trong vụ tai nạn. Anh Nam là người đầu tiên phát hiện ra ánh sáng từ ngách hầm do lực lương công binh đào và cũng là người đầu tiên được giải cứu.
Kể về trường hợp của mình, anh Nam cho biết mình mới vào làm ở công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo hơn một tháng. Trước đó, anh làm dự án về hầm mỏ cũng của Công ty cổ phần Sông Đà 505 ở huyện Thanh Chương (Nghệ An).
“Bây giờ khó kể lại diễn tiến tai nạn. Lúc sập hầm, mọi người kể cả tôi đều hoảng loạn và không biết được cái gì đang diễn ra. Mọi người mất hết niềm tin. Khoảng 40 phút sau, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận, khoan được mũi khoan đầu tiên thì mọi người mới tạm yên tâm vì biết mình đang được cứu”, anh Nam kể.
|
“Lúc đó bản năng sinh tồn và tôi lại là người lớn tuổi nhất, ngoài đời anh em coi mình như anh cả nên suốt 4 ngày đó mình phải làm gương để mọi người nói theo. Làm gương ở đây là không được mất tinh thần”, anh Nam nói.
Việc làm đầu tiên của anh Nam là ổn định tâm lý anh em và ra lệnh cho mọi người phải lên máy xúc còn ở trong hầm, không được dầm nước để tránh cảm lạnh. Hằng ngày, anh Nam là người trực tiếp liên lạc với cứu hộ bên ngoài, nhận cháo và thực phẩm qua đường thông hơi.
Nhắc về người em dâu Đặng Thị Hồng Ngọc, anh Nam cho hay rơi vào trường hợp như vậy đàn ông cực một, phụ nữ cực gấp mười lần. Có thời điểm chị Ngọc suy sụp tinh thần, tâm lý khá hoảng loạn nên mọi người phải thay nhau động viên chị phải bình tĩnh vượt qua.
“Sao trưa qua (19.12) gọi mà không thấy ai ra nhận thức ăn?”, một thành viên trong đoàn của Thành ủy Đà Lạt hỏi khi đến bệnh viện thăm 12 công nhân vào sáng 20.12. Anh Nam thật thà nói: “Trưa đó nghe nói là khoan được mũi khoan ở hạ lưu mà nước trong hầm thấy rút. Lúc đó tâm trạng anh em không ai buồn ăn. Với lại, mọi người sợ ăn nhiều thứ quá đau bụng, tiêu chảy. Ở trong đó mà bị bệnh rất nguy hiểm”.
Kể về lúc được giải cứu, anh Nam cho biết lúc đó khoảng buổi chiều, anh lội ra phía ống thép để lấy thức ăn. Bỗng nhiên anh thấy ánh sáng từ xa, thấy một lỗ hổng lớn, rồi tiếng ai đó hỏi vọng vào: “Nước trong đó có cạn không? Mọi người từ từ để bọn em đưa ra”.
Anh Nam kể tiếp: “Họ sợ chúng tôi mừng quá mất bình tĩnh, cùng nhau lao ra sẽ sập hầm. Rồi tiếng của ai đó nói là cố gắng đưa chị Ngọc ra an toàn”. Lúc đó mừng quá anh Nam chỉ kịp la lên: “Hầm thông rồi”. Sau giây phút đó, lần lượt 12 người được lực lượng giải cứu đưa ra khỏi hầm.
Nghe câu chuyện anh Nam kể, ngồi gần đó, anh Phạm Viết Lành - người em con chú - nói vọng sang: “Mấy ngày trong đó, anh Nam giống như người chủ gia đình vậy. Mọi người đều theo lệnh của "đại ca" Nam”.
Quây quần bên người thân
|
Y tá tận tình chăm sóc các bệnh nhân
|
Cập nhật thông tin vụ giải cứu qua báo chí
|
Anh Phạm Viết Lành vẫn còn khá mệt sau khi được giải cứu
|
Bình luận (0)