Trước đó, ngày 25.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 đã mời ông Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND Q.4 (TP.HCM) và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, bị tố xông vào nhà "bắt" 3 đứa bé lên trụ sở làm việc.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội là đơn vị trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Hải Nam và ông Lâm Hoàng Tùng.
Đến chiều 27.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 (TP.HCM) đã khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”, theo điều 158 Bộ luật Hình sự.
|
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 19.9, hàng chục người tự ý xông vào căn nhà đang tranh chấp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), ngang nhiên tiến hành “cưỡng chế”. Sau đó, bà Hoàng Thị Thu Thảo (36 tuổi, ngụ căn nhà trên) gửi đơn đến Báo Thanh Niên và nhiều cơ quan chức năng khác, tố ông Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND Q.4 (TP.HCM) và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, “bắt” 3 đứa bé con bà Thảo.
Ngày 26.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay UBND TP đã nắm được vụ việc. Cá nhân ông đã có trao đổi với Giám đốc Công an TP, Trưởng công an Q.1 đề nghị phải quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ vụ việc.
“Nội dung tố cáo thế nào cần phải điều tra làm rõ, nhưng đây là vụ việc xảy ra giữa trung tâm thành phố, nếu mình làm không nhanh sẽ khiến người dân hoang mang. Công an Q.1 đang đẩy nhanh tiến độ giải quyết và sẽ sớm báo cáo thông tin vụ việc cho UBND TP”, ông Ngô Minh Châu nói.
Điều 22 Hiến pháp 2013 nêu rõ, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó cho phép.
Căn cứ quy định pháp luật, thì mọi hành vi xâm phạm, đột nhập trái phép vào nhà người khác đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.
Điều 158, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định xâm phạm chỗ ở của người khác, gồm các hành vi sau đây:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
- Đuổi người khác ra khỏi chỗ ở của họ trái pháp luật;
- Chiếm giữ chỗ ở của người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp chỗ ở của họ;
- Cản trở không cho người đang ở hoặc đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
Khi một người thực hiện những hành vi này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, hành vi cố ý đột nhập vào nhà người khác còn có thể bị phạt từ 01 năm đến 05 năm tù, nếu có các căn cứ sau đây:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Không chỉ bị ngồi tù, mà người nào thực hiện hành vi đột nhập trái phép chỗ ở người khác, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
|
Bình luận (0)