Vụ tiến sĩ giả suýt làm trưởng khoa: Cảnh báo về quy trình tuyển dụng

29/11/2023 06:06 GMT+7

Vụ một người sử dụng bằng tiến sĩ giả làm giảng viên thỉnh giảng nhiều trường ĐH, thậm chí suýt trở thành trưởng khoa một trường CĐ gây xôn xao dư luận.

Vụ việc được xem như lời cảnh báo với các đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt các trường ĐH và CĐ trong tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ (TS). Trong thời gian qua, các trường ĐH, CĐ có quy trình tuyển dụng giảng viên như thế nào để ngăn chặn việc tuyển nhầm phải TS, thạc sĩ giả?

KHÓ PHÁT HIỆN BẰNG MẮT THƯỜNG

Sự việc diễn ra vào tháng 9 năm nay, ông N.T.H được nhận thử việc tại Trường CĐ Công thương VN, ở vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin. Khi nộp hồ sơ, người này cung cấp cho trường bằng TS ngành khoa học máy tính được Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cấp năm 2021.

Cảnh báo về quy trình tuyển dụng  - Ảnh 1.

Các đơn vị sử dụng lao động có thể xác minh văn bằng tốt nghiệp thông qua tra cứu thông tin người học trên website các trường ĐH (ảnh minh họa)

HÀ ÁNH

Theo quy trình tuyển dụng, Trường CĐ Công thương VN đã gửi bản công chứng bằng TS qua Trường ĐH Khoa học tự nhiên để xác minh văn bằng ứng viên. Kết quả thông tin không đúng với dữ liệu lưu trữ. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM không cấp bằng này cho ông N.T.H, và người này cũng không là nghiên cứu sinh của trường. Trước đó, ông cũng từng thỉnh giảng tại nhiều trường ĐH khác.

Câu hỏi đặt ra, tại sao một người sử dụng bằng TS giả lại có thể qua mặt các đơn vị trong quy trình tuyển dụng?

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết trường thường xuyên nhận được yêu cầu xác minh văn bằng tốt nghiệp người học từ các đơn vị sử dụng lao động bên ngoài. Kết quả xác minh cho thấy có không ít trường hợp sử dụng bằng giả với đơn vị cấp là Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

"Việc xác định một văn bằng giả không thể bằng mắt thường. Ví dụ, với trường hợp bằng giả của ông N.T.H thì người ở ngoài trường khó nhận biết được các thông tin không chính xác của văn bằng đó. Kể cả việc đơn giản nhất như văn bằng sử dụng chữ ký của nguyên Hiệu trưởng Trần Linh Thước, trong khi người ký văn bằng là Hiệu trưởng Trần Lê Quan", ông Quán nhận định.

'Tiến sĩ bằng giả' suýt thành trưởng khoa trường cao đẳng

TRA CỨU VĂN BẰNG TRÊN WEBSITE

Do đó, theo ông Quán, để hỗ trợ các đơn vị trong xác thực văn bằng người học, trường có nhiều cách. Ngoài việc phản hồi bằng văn bản với các đơn vị có văn bản yêu cầu xác minh, trên website của trường có công cụ tra cứu thông tin văn bằng với người từng học ĐH và sau ĐH tại trường.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện cũng có mục tra cứu văn bằng trên website. Việc tra cứu được thực hiện dễ dàng thông qua nhập mã sinh viên, họ tên, ngày sinh, ký hiệu văn bằng. Người sử dụng có thể tra cứu thông tin văn bằng của người học tất cả bậc đào tạo. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính nhà trường, cho biết: "Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý, trường luôn gửi văn bản xác minh văn bằng tốt nghiệp của ứng viên ngay trong khâu sơ tuyển hồ sơ. Những ứng viên có hồ sơ đầy đủ với văn bằng rõ ràng mới được mời đến trường phỏng vấn".

Xem nhanh 20h: Phanh phui cách tiến sĩ giả lừa các trường | Diện mạo ‘phố Bùi Viện thứ 2’ theo đề xuất

Ứng dụng công nghệ blockchain vào bằng tốt nghiệp

Một số trường ĐH tại VN bắt đầu triển khai cấp bằng tốt nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain, người dùng có thể quét mã QR cho ra đường dẫn xác thực văn bằng. Việc cấp bằng tốt nghiệp ứng dụng blockchain được triển khai ở một số trường ĐH trong nước như Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Hoa Sen…

Blockchain vận hành theo nguyên tắc phân cấp lưu trữ thông tin theo khối. Các khối thông tin trong mạng lưới được mã hóa, gán nhãn thời gian và xâu chuỗi chặt chẽ với nhau, khiến dữ liệu một khi đã được chấp nhận sẽ không thể thay đổi. Ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, văn bằng tốt nghiệp cấp phát theo công nghệ chuỗi khối sẽ đảm bảo tính xác thực, duy nhất và an toàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu và xác nhận văn bằng một cách nhanh chóng qua mạng internet.

YÊU CẦU CÔNG CHỨNG, XÁC NHẬN CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

PGS-TS Nguyễn Khoa Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), cho biết quá trình tuyển dụng giảng viên của trường từ trước tới nay chưa bao giờ đặt vấn đề phải xác minh văn bằng của ứng viên. "Chúng tôi yêu cầu các giấy tờ trong hồ sơ phải được công chứng và tin tưởng hoàn toàn vào cơ quan công chứng. Sở dĩ như vậy vì cơ quan công chứng có nghiệp vụ so sánh, đối chiếu bản gốc với bản photo để xác nhận giấy tờ đó là thật hay giả trước khi đóng dấu đỏ", PGS-TS Khoa Hùng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay khi tuyển dụng ứng viên có bằng cấp trong nước, trường không xác minh tất cả mà chỉ khi có nghi ngờ hoặc có tố cáo mới gửi công văn tới đơn vị cấp bằng nhờ xác minh. Nếu phát hiện sử dụng bằng giả, người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với ứng viên có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay: "Để xác minh tính xác thực của các văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp, trường luôn yêu cầu ứng viên nộp kèm giấy chứng nhận của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Quy định này áp dụng với cả đối tượng người VN học tập tại nước ngoài và người nước ngoài vào VN làm việc".

Tương tự, đối với người có văn bằng do nước ngoài cấp, Trường ĐH Y Dược Huế, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và nhiều trường khác yêu cầu ứng viên phải làm thủ tục công nhận văn bằng tại Trung tâm công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT.

"Sau khi hồ sơ đã đầy đủ, ứng viên phải thử việc 2 tháng, nếu đạt mới được tuyển dụng chính thức", PGS-TS Khoa Hùng cho hay.

Vụ tiến sĩ giả suýt làm trưởng khoa: Cảnh báo về quy trình tuyển dụng  - Ảnh 3.

Bằng tiến sĩ do ông N.T.H sử dụng bị các trường phát hiện là giả

TRƯỜNG CUNG CẤP

GỬI VĂN BẢN TỚI ĐƠN VỊ CẤP BẰNG ĐỂ XÁC MINH

Trong khi đó, nhiều trường khác như Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… mỗi lần nhận hồ sơ của ứng viên có bằng trong nước, đều thực hiện gửi văn bản tới đơn vị cấp bằng để xác minh.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, thông tin việc xác minh bằng cấp là thủ tục bắt buộc khi tuyển dụng. "Trước đây, nếu có tuyển dụng là đến tháng 12 hằng năm trường sẽ làm công văn gửi tới các trường cấp bằng để nhờ xác minh. Vài năm trở lại đây, trường sẽ thực hiện bước 1 là tra cứu số hiệu văn bằng trên trang web của các đơn vị cấp bằng trước, sau đó tháng 12 tiếp tục gửi công văn tới những nơi đó".

Theo TS Kha, việc bắt buộc phải có khâu xác nhận bằng cấp là để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. "Chẳng hạn nếu không xác minh, không may rơi vào trường hợp giảng viên dùng bằng giả thì người học sẽ chịu hậu quả nặng nề", TS Kha nhìn nhận.

Đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ

PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử của đơn vị cấp bằng, bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm.

Theo PGS-TS Chương, hiện Cục Quản lý chất lượng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện hệ thống tra cứu văn bằng của Cục Quản lý chất lượng đang được thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ cho người dân và các cơ quan, đơn vị trong việc tra cứu, chứ không làm thay việc của đơn vị cấp văn bằng, chứng chỉ. Đối với người có bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, các đơn vị tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên làm hồ sơ công nhận văn bằng tại Trung tâm công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng.

"Thời gian qua xuất hiện một số giấy công nhận văn bằng giả mạo. Trung tâm công nhận văn bằng khuyến cáo các đơn vị khi tiếp nhận giấy công nhận văn bằng có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử của trung tâm hoặc quét mã QR trên giấy công nhận văn bằng để xác thực lại", PGS-TS Huỳnh Văn Chương thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.