Vụ xâm phạm nhãn hiệu bia SAIGON: Pháp nhân thương mại hầu tòa ra sao?

10/03/2023 10:26 GMT+7

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, chứ không phải đi tù.

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được bảo hộ là bia SAIGON của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Hai bị cáo hầu tòa cùng về tội danh trên, gồm cá nhân là ông Lê Đình Trung (56 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam); pháp nhân thương mại là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam.

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu Bia SAIGON, bị cáo nào không bao giờ phải đi tù? - Ảnh 1.

Chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Lê Đình Trung, nguyên Giám đốc Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam

PHAN THƯƠNG

Ngoài diễn tiến sự việc, một nội dung được nhiều người quan tâm trong vụ án trên là việc một pháp nhân thương mại bị truy tố ra trước tòa về một tội danh quy định tại bộ luật Hình sự. Đây cũng là tình huống pháp lý khá hiếm gặp. Điều này có gì đặc biệt?

Pháp nhân thương mại có phải đi tù?

Bộ luật Hình sự năm 2015 và bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành, đánh dấu lần đầu tiên có quy định về việc một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khoản 2 điều 2 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm một trong 33 tội danh được quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324.

33 tội danh này tương ứng với 3 nhóm: các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng cấm; trốn thuế; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…), các tội phạm về môi trường (gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản…) và các tội phạm xâm phạm trật tự công cộng (tài trợ cho khủng bố, rửa tiền).

Vẫn theo quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng một trong các hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, các hình phạt bổ sung có thể áp dụng gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; hoặc phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.

Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, một pháp nhân thương mại sẽ không bị áp dụng hình phạt tù giống như người phạm tội là cá nhân.

Điều này có thể thấy trong phần luận tội của đại diện Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi đề nghị phạt pháp nhân Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam từ 2 - 3 tỉ đồng.

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu Bia SAIGON, bị cáo nào không bao giờ phải đi tù? - Ảnh 2.

Bia SAIGON của Sabeco (bên trái) được cho là bị sản phẩm của Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (bên phải) xâm phạm nhãn hiệu

PHAN THƯƠNG

Không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân

Điều 75 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm một trong 33 tội như đã nêu, đồng thời phải có đủ 4 điều kiện.

Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Đặc biệt, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này có thể thấy khi ngoài pháp nhân là Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam thì ông Lê Đình Trung cũng phải hầu tòa về cùng tội danh (bị viện kiểm sát đề nghị phạt từ 600 - 800 triệu đồng).

Vẫn theo quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Pháp nhân thương mại hầu tòa ra sao?

Theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

Quá trình xét xử tại tòa, quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.