Vừa chống dịch vừa lên kế hoạch tái khởi động

08/06/2021 06:31 GMT+7

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, các doanh nghiệp lữ hành tích lũy được nhiều kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch dự phòng vừa chống dịch, vừa sẵn sàng tái khởi động ngay sau khi tình hình được kiểm soát.

Ngành du lịch được xem là thiệt hại nặng nề nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong hơn 1 năm qua và rất nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành không thể gắng gượng nên phá sản; khách sạn, cơ sở lưu trú cũng lần lượt bán tháo, nhân lực ngành du lịch đã bị rơi rụng rất nhiều...
Nhưng theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, các DN lữ hành đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch dự phòng vừa ứng chiến với dịch bệnh, vừa sẵn sàng tái khởi động ngay sau khi tình hình được kiểm soát. Theo ông, nhiều nước như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu tổ chức các hoạt động cộng đồng ngoài trời mà không cần đến khẩu trang, nên hy vọng ngay sau khi chương trình tiêm vắc xin được phổ cập tới đại đa số người dân, Việt Nam (VN) sẽ sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Tuy vậy, không phải chỉ đơn giản kích hoạt, bật công tắc là máy nóng trở lại. Quan trọng nhất trong giai đoạn này là các DN phải cố gắng duy trì hoạt động, bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh số hóa, xây dựng sản phẩm, trau dồi nhiều hơn kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ cho các bạn hướng dẫn viên…
Ngành hàng không cũng đã nhanh chóng triển khai các bước chuẩn bị đón đầu kinh tế hồi phục hậu Covid-19. Cuối tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines đã công bố trở thành hãng hàng không đầu tiên tại VN ký thỏa thuận với Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) để thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass. Vietnam Airlines dự kiến sẽ thử nghiệm mô hình kỹ thuật phục vụ “hộ chiếu vắc xin” này ngay trong tháng 6, thời gian thử nghiệm kéo dài trong 2 tháng. Đây được coi là tín hiệu bước đầu rất tốt để thiết lập nền tảng triển khai chương trình “hộ chiếu vắc xin” của VN.
Khá cẩn trọng, ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị - Chủ tịch Group Quản lý Doanh nghiệp, nhận định khả năng phục hồi của các ngành kinh tế không chỉ dựa vào sự chuẩn bị của các DN mà phải được nhìn nhận thông qua nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, khó khăn của DN đến từ đâu, từ thị trường tiêu thụ hay do tình hình của VN bây giờ. Nếu do tình hình dịch bệnh trong nước, đơn cử DN xuất khẩu phải đóng cửa nhà máy để giãn cách xã hội, thì khi dịch bệnh được kiểm soát, DN có thể bật dậy ngay lập tức vì các đơn hàng có sẵn. Trường hợp khó khăn do thị trường tiêu thụ thì vẫn phải phụ thuộc vào khả năng bật dậy của thị trường mục tiêu.
Thứ hai, đặc điểm của từng ngành kinh tế khác nhau. Ví dụ những ngành phục vụ thị trường tại chỗ có tính chất nhu yếu phẩm hoặc ít giao dịch trực tiếp giữa con người với con người sẽ có thể lập tức hồi phục. Trong khi đó, một số ngành tiếp xúc trực tiếp cao, thị trường mục tiêu ở xa sẽ mất từ 1 - 2 năm để trở lại bình thường...
“Đối với những ngành tổn thất nặng, và là ngành kinh tế quan trọng của VN, mang lại thu nhập chính thì Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về tài chính để DN có thể trở lại nhanh”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.