TP.HCM là siêu đô thị có mật độ dân số cao nhất, gấp 15 lần so với mức dân số bình quân cả nước, nơi “đóng đô” của khoảng 50% doanh nghiệp trên cả nước và là vùng đất sinh sống của hàng triệu người lao động, học sinh, sinh viên, vực dậy "đầu tàu" kinh tế này là mối quan tâm của tất cả mọi người.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá: Những biện pháp ngăn chặn dịch mạnh mẽ như cách ly xã hội đã và đang tác động sâu tới các hoạt động kinh tế.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của TP ước đạt 88.241 tỉ đồng - đạt 21,7% dự toán và giảm 8,63% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 335.600 tỉ đồng - tăng 0,42%, trong khi cùng kỳ các năm trước đều đạt tỷ lệ tăng 7,6 - 7,7%.
“Kinh tế TP.HCM đang trong giai đoạn khủng hoảng nhất trong lịch sử. Mặc dù TP.HCM vẫn đóng góp được 28% tổng thu ngân sách nhà nước trong quý 1 nhưng với vai trò đầu tàu kinh tế, khi tình hình dịch bệnh đã có nhiều tín hiệu khả quan, những biện pháp phòng chống đã phát huy tác dụng hiệu quả thì cần thiết nhanh chóng chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản để hồi phục lại nền kinh tế”, ông Ngân nhận định.
Theo ông Ngân, muốn vực dậy kinh tế, quan trọng nhất là bảo toàn sức khỏe của cộng đồng các doanh nghiệp (DN). Nếu DN không thể duy trì được qua giai đoạn dịch bệnh, phải phá sản thì khi thành lập lại sẽ cần một độ trễ khá dài, rất chậm để hồi phục. Chưa kể DN sống thì công ăn việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động trên địa bàn TP mới được đảm bảo.
Do đó, TP.HCM cần nhanh chóng triển khai hiệu quả các gói cứu trợ DN, giúp DN tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ T.Ư theo Nghị định 41, Nghị định 42 của Thủ tướng. Bên cạnh đó, làm cầu nối giữa DN với ngân hàng và cơ quan thuế, tạo điều kiện gia hạn các khoản nộp thuế, tiền thuê đất… hỗ trợ DN về nguồn vốn để cơ cấu lại; xây dựng các sản phẩm mới phù hợp xu thế của thị trường sau dịch.
“Trong thời gian này, điều DN cần được hỗ trợ nhất không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn mà quan trọng là giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để khơi thông các dự án. DN sống được, phát triển được thì mới có tiền đóng thuế cho nhà nước, người lao động mới có việc làm, có doanh thu để chi tiêu, đóng thuế. Đây là vòng tuần hoàn hỗ trợ lặp đi lặp lại theo hình xoắn ốc, tất cả cùng nhau phát triển”, ông Ngân nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nhận định thị trường sau đại dịch không hề giống trước đại dịch. Không phải chúng ta đang bấm nút tạm dừng và khi “play”, mọi thứ sẽ quay về như lúc đầu. Tình hình thay đổi, nhu cầu thay đổi, DN cần bình tĩnh xem xét để xây dựng phương án “tái sinh” chứ không chỉ đơn thuần là hồi phục.
“Tất cả những gói hỗ trợ, gói tín dụng, chính sách giãn, giảm thuế đều đã được công bố nhưng quan trọng nhất vẫn là cải cách hành chính, cải cách bộ máy, thực hiện các gói cứu trợ một cách công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng cần giải cứu và giảm thời gian, chi phí không tên cho DN đủ sức đứng dậy sau cơn bão”, ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ví von, các DN mới trải qua một cơn bạo bệnh, cần liều “doping” để vực dậy nhanh chóng, nhưng không thể chữa tràn lan mà phải có chọn lọc. Cơn khủng hoảng vừa qua cho chúng ta thấy rõ có quá nhiều sai lầm trong các mô hình kinh doanh hiện nay.
Sản xuất, xuất khẩu hay du lịch đều chạy đua theo số lượng, phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường nên khi có biến động xảy ra, tác động cực kỳ nhanh và nghiêm trọng. Điều này không thể tiếp tục tái diễn.
|
“Sau đại dịch, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. DN được cứu sống nhưng sau khi hồi phục vẫn làm y như cũ, kinh doanh các sản phẩm cũ thì nguy cơ “chết” vẫn rất lớn và khoản đầu tư sẽ trở thành lãng phí. Do đó TP cần cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng. DN nào bật lên đầu tư vào công nghệ, tìm thị trường mới, đối tác mới, tạo được giá trị gia tăng cao hơn trong ngành nghề kinh doanh của mình thì mới được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ. Không đầu tư tràn lan, dàn trải. Đây là cơ hội để kinh tế TP.HCM bật lên phát triển theo một hướng đi mới, yêu cầu cao hơn, có chọn lọc hơn, cả về thị trường và DN”, bà Lan nhấn mạnh.
Bình luận (0)