(TNO) Chuyến tàu HQ-561 ra Trường Sa những ngày mùa hè này có cả một người từng là lính trở lại Trường Sa sau 24 năm xa cách. Đặc biệt, anh từng là một trong 350 chiến sĩ được chi viện cho Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma (14.3.1988). Ngoài ra, còn có cả thượng tá Nguyễn Viết Thuân - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 1: Tuổi 18 giữa sóng nước biển Đông
>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 2: Những người "cưỡi mây, đạp nước
>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 3: Những nhịp cầu di động
>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 4: Màu xanh giữa đại dương
Nhiều người muốn đi mà không được
Người đàn ông ấy đã thức trắng cả đêm trên boong tàu khi tàu sắp cập đảo Trường Sa Lớn. Suốt đêm, ông cứ lang thang một mình trên boong tàu để nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ mình đã từng bảo vệ chủ quyền Trường Sa.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ một ngày nào đó mình được thăm lại Trường Sa sau chừng ấy năm cả” - ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Xây dựng số 4 (Bộ Xây dựng) - người chiến sĩ bảo vệ đảo Trường Sa cách đây 24 năm háo hức kể.
Theo lời ông Dũng, năm 1988, sau sự kiện Gạc Ma nổ ra, Chính phủ quyết định tăng cường đưa bộ đội ra bảo vệ các đảo ở Trường Sa. Khi đó ông Dũng 24 tuổi, giữ chức vụ thượng úy, phó đại đội trưởng trung đoàn thuộc một sư đoàn phòng không đóng quân ở Yên Bái.
|
Khi nghe tin mình có trong danh sách 350 chiến sĩ tăng cường cho Trường Sa, bản thân ông Dũng mặc dù háo hức nhưng cũng băn khoăn bởi đây là nơi đầy gian khổ mà chưa bao giờ ông đặt chân tới.
Để giải tỏa sự băn khoăn, ông Dũng đã trao đổi với cha của mình và nhận được câu trả lời: “Con còn trẻ, lại chưa có gia đình, được đi đến những vùng đất mới thì phải vui chứ. Nhiều người muốn ra Trường Sa còn không được”.
“Đoàn chúng tôi tập kết ở Cam Ranh trong vòng ba tháng để chờ phân bố đi các đảo. Tôi được bố trí công tác ở đảo Trường Sa Lớn. Khi đó cơ sở vật chất của đảo nghèo nàn lắm. Nhà của lính toàn là tôn chắp vá. Cả đảo chỉ có đúng ba cây bàng vuông chứ không phải nhiều cây cối xanh tốt như bây giờ”, ông Dũng nhớ lại.
Khi đó, cả Trường Sa Lớn không có điện thoại, điện được chạy bằng máy phát nhưng rất hiếm khi được sử dụng. Cả đảo thường xuyên phải thắp sáng bằng đèn dầu.
Có một sự cố ở Trường Sa Lớn mà ông Dũng ghi nhớ mãi và xem như nỗi gian truân giữa lằn ranh sự sống cái chết của lính đảo thời đó luôn phải đối diện.
Ông Bùi Văn Dũng (trái) ở đảo Nam Yết - Ảnh chụp lại
Lúc đó, có một chiến sĩ tên Hòa bị bệnh viêm tai giữa và bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, dụng cụ y tế cũng như nhân sự ở đảo có hạn không thể chữa được. Đảo quyết định đưa chiến sĩ này vào bờ để chữa bệnh nhưng trúng những ngày biển động, thuyền không thể cập bến được.
“Nếu Trường Sa Lớn lúc đó có bác sĩ hay có tàu bay như bây giờ đưa đi thì anh Hòa đã không phải hy sinh”, ông Dũng kể trong niềm day dứt.
Việc làm cho lính Trường Sa
Ở Trường Sa Lớn một thời gian, ông Dũng được luân chuyển vào bờ. Năm 1991, ông Dũng được điều ra công tác ở đảo Nam Yết. Thời gian này, ông Dũng có dịp đi đến các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Núi Thị…
“Nam Yết thời điểm này là một trong những đảo gian khổ nhất của quần đảo Trường Sa vì không có nước ngọt. Bù lại đảo lại có rất nhiều cây xanh và đến mùa có rất nhiều chim hải âu tới làm tổ đẻ trứng. Thi thoảng, anh em rủ nhau lấy trứng chim làm thức ăn tươi”, ông Dũng nhớ lại.
Tháng 9.1992, ông Dũng ra quân và xin làm bảo vệ cho một công ty xây dựng. Sau đó, ông Dũng tiếp tục đi học đại học, ra trường có thời gian ông công tác ở Bộ Xây dựng và nay là Hiệu trưởng Trường trung cấp Xây dựng số 4.
Ông Dũng kể: Trong số những người lính xuất ngũ về với đời thường, ông vẫn được bạn bè, người thân nhìn nhận là khá thành công trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, với ông Dũng, có được sự thành công như ngày hôm nay là nhờ 10 năm ông sống trong môi trường quân đội. Trong đó, những năm tháng ở Trường Sa như một trường đại học lớn trui rèn bản thân ông.
Từng nhiều năm sống ở các đảo chìm nên trong hành lý ra thăm đảo lần này, ông Dũng chuẩn bị 4-5 kg đất mang từ đất liền, chia thành nhiều lọ nhỏ để tặng các bộ đội sống ở các đảo chìm.
Ông Dũng với thượng tá Nguyễn Viết Thuân - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa
- Ảnh: Trung Hiếu
Ông Dũng lý giải: “Dù giờ đây anh em bộ đội ở các đảo đã tự trồng được rau nhưng đất trồng lâu cũng bạc màu nên cần phải bổ sung đất để các lứa rau sau được xanh tốt”.
Tuy nhiên, dự án lớn nhất mà ông ấp ủ khi ra Trường Sa lần này là một năm các trường xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ nhận các chiến sĩ ở Trường Sa ra quân, dạy nghề để anh em sau này tìm cho mình một công việc ổn định sau khi ra quân.
“Tôi đã bàn với anh Thuân - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa - là năm đầu sẽ nhận khoảng 20-30 chiến sĩ sau khi ra quân có nhu cầu để gửi đi học. Trước tiên anh em sẽ học ở Đại học Xây dựng Miền Trung đóng ở Phú Yên. Sau đó nếu có thêm nhu cầu sẽ mở rộng chương trình ra cả nước”, ông Dũng nói.
Năm 1988, trên Trường Sa Lớn cơ sở vật chất của đảo còn nghèo nàn lắm. Nhà của lính toàn là tôn chắp vá. Cả đảo chỉ có đúng ba cây bàng vuông chứ không phải nhiều cây cối xanh tốt như bây giờ. Khi đó, cả Trường Sa Lớn không có điện thoại, điện được chạy bằng máy phát nhưng rất hiếm khi được sử dụng. Cả đảo thường xuyên phải thắp sáng bằng đèn dầu. |
Trung Hiếu
>> Hỗ trợ cựu binh Gạc Ma
>> Lập bài vị các liệt sĩ Gạc Ma trong chùa Sinh Tồn
>> Cựu binh Gạc Ma mong giám định lại thương tật
>> Tri ân chiến sĩ Gạc Ma
>> Ngọn lửa Gạc Ma lan tỏa
>> Thăm gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Thái Bình
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Gặp lại Trường Sa, nhớ về Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Hà Nội và Hà Nam hy sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân các liệt sĩ Hà Tĩnh hy sinh ở Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Muốn ra nơi con bị giặc sát hại
Bình luận (0)