Theo người dân địa phương, trước năm 1975 nơi đây là doanh trại của quân đội VNCH, phần còn lại của gò trồng xoài, nên di tích có tên gọi Gò Xoài thay cho tên Chòm Mả.
Gò Xoài (thuộc ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa) được biết đến qua phát hiện của Henri Parmentier và J.Y.Claeys công bố vào năm 1918 và năm 1936. Louis Malleret cũng cho biết tại gò này đã xuất lộ phần nền và móng của một kiến trúc hình vuông 6,7 m x 6,7 m, cao 0,3m lộ trên mặt đất. Về phía đông có một khung cửa dựng bằng 2 cột đá sa thạch và một mi cửa.
Cụm khu di tích Bình Tả - Giồng Xoài lần đầu tiên được khai quật vào năm 1987 làm xuất lộ một phế tích kiến trúc có bình đồ dạng hình vuông, cửa quay về hướng đông, kích thước 15,2 m x 15,2 m. Nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất rắn chắc và phức tạp, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (bazan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng…
Khai quật di tích Gò Xoài năm 1987 |
TƯ LIỆU BẢO TÀNG LONG AN |
Trong lòng phế tích là dạng hố thờ hình vuông, kích thước 2,2 m x 2,2 m; sâu trên 2,5 m, chính tâm có một trụ gạch xếp thành hình chữ Vạn - Swastika (卐); ngay dưới trụ gạch này là một hộc cát trắng chứa 26 hiện vật vàng và khoảng 5 cm3 tro xương, một mảnh gốm dạng Óc Eo, vài mẫu nhỏ kim loại.
Đáng chú ý là sưu tập hiện vật với 26 di vật vàng có số đăng ký từ số BTLA 2505/KL40 đến BTLA 3565/KL82 gồm: 8 lá vàng chạm hình voi tư thế đứng, 7 lá voi nhìn ngang (trắc diện ngang bên), 1 lá voi nhìn chính diện (dài từ 2,9 - 3,3 cm; rộng 2,6 - 3 cm); 1 lá vàng chạm hình rùa kích thước 4,5 cm x 3,6 cm; 1 lá vàng cuộn dạng vòng tay dập hình rắn dài 16 cm, rộng 1,4 cm; 2 lá vàng hình tròn, cắt hình hoa sen 12 cánh, đường kính 7 cm và 5,4 cm; 1 lá vàng tròn cắt hình hoa sứ 8 cánh, đường kính 7,5 cm; 1 lá vàng chạm hình nữ thần trong tư thế đứng lệch hông (tribhanga) tương tự lá vàng mà Louis Malleret đã công bố; 1 lá vàng không rõ hình chạm, kích thước 3,4 cm x 2,8 cm; 5 lá vàng trơn dài từ 4 - 5 cm; rộng từ 3 - 3,3 cm; 4 nhẫn vàng nạm đá quý đường kính từ 1,6 - 2,3cm; 1 mề đay vàng nạm đá quý kích thước 3 cm x 2,8 cm…
Nhận định ban đầu thì loại hình di tích, di vật phát hiện ở Gò Xoài có nhiều biểu tượng tương đồng tìm thấy ở Gò Thành (Chợ Gạo, Tiền Giang) nên có ý kiến cho rằng kiến trúc Gò Xoài thuộc loại hình di tích kiến trúc mộ thờ. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng đây là một di tích kiến trúc tháp thờ (stupa) Phật giáo bởi bản minh văn ở đây có nội dung liên quan đến Phật giáo.
Một số di vật vàng Gò Xoài - Bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Long An |
LƯƠNG CHÁNH TÒNG |
Đáng chú ý là trong số các hiện vật này có bản minh văn Phạn ngữ (minh văn Sanskrit - Pali) bằng vàng dài 21 cm, rộng 4 cm. Theo GS Hà Văn Tấn, minh văn gồm có 5 dòng: dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú (đều thuộc Phật giáo), 3 dòng cuối là hai câu thần chú Mật tông, dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam Ấn (Deccan), thế kỷ 8 - 9 sau Công nguyên.
Bộ sưu tập hiện vật được phát hiện tại chỗ (in situ) trong lòng phế tích tháp Gò Xoài như đã nói ở trên là nguyên vẹn nhất, có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt, là di vật duy nhất thuộc loại này trong các di tích Óc Eo, góp phần xác định chức năng của kiến trúc Gò Xoài là một di tích stupa (tháp) của Phật giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8 sau Công nguyên.
Ngoài nội dung văn khắc, các hình vẽ và các di vật thể hiện các triết lý có nguồn gốc Phật giáo Ấn Độ, nhưng đã thể hiện những yếu tố Đông Nam Á. Ví dụ, có một số hình vẽ tương tự một số điêu khắc thể hiện trên các tháp Phật giáo thuộc giai đoạn Dvaravati (Thái Lan). Qua nhiều nguồn tư liệu so sánh đối chiếu với hệ thống các di vật vàng phát hiện liên quan đến nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đây là sưu tập hiện vật có chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác phản ánh sự phát triển cao nghề kim hoàn của cư dân Óc Eo.
Mặc dù chứa đựng rất nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, khoa học, tuy nhiên hiện trạng di tích Gò Xoài và cụm di tích Bình Tả chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị một cách đồng bộ, nên di tích dần trở nên hoang phế. Việc kết nối địa điểm du lịch văn hóa giữa di tích với hệ thống các tour du lịch Long An cũng không được triển khai, mặc dù sự huyền bí về một trung tâm Phật giáo của văn hóa Óc Eo và cư dân Phù Nam qua những phát hiện khảo cổ học tại Gò Xoài - Bình Tả đã từ lâu luôn cuốn hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Từ những giá trị đặc biệt của nhóm di vật vàng và trang sức khai quật thấy trong lòng tháp - stupa Phật giáo tại Gò Xoài - Long An, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã công nhận sưu tập hiện vật vàng này là bảo vật quốc gia (còn tiếp).
Bình luận (0)