Vượt biên sang Anh: Cược cả mạng sống tìm cơ hội đổi đời

Phạm Đức
Phạm Đức
30/10/2019 09:00 GMT+7

Một thanh niên ở Nghệ An vượt biên sang Anh đã chia sẻ với Thanh Niên câu chuyện mà bản thân anh đã trải qua khi tìm đến “miền đất hứa” bằng con đường bất hợp pháp.

Một thanh niên quê ở Nghệ An (xin được giấu tên) từng vượt biên trái phép qua Anh đã rùng mình khi nghe tin 39 người chết trong thùng xe container, bởi anh cũng từng đánh cược mạng sống sang Anh để tìm cơ hội đổi đời. Kể với PV Thanh Niên, người này cho biết, do công việc ở quê bấp bênh, anh quyết định đi nước ngoài làm ăn, tìm cơ hội đổi đời. Năm 2015, anh vay mượn gần 400 triệu đồng để nộp cho đường dây đưa người vượt biên trái phép sang Anh. “Tôi được hứa hẹn chỉ cần chồng đủ số tiền, mọi việc sang Anh đều có người trong đường dây lo hết”, anh nói.

Bỏ mạng vì đói và khát

Theo hướng dẫn của người môi giới, anh rời VN bay sang Nga và được người trong đường dây đón về một nhà kho hẻo lánh, nơi đang có hơn 10 người Việt bị “giam lỏng” chờ đợi để đi Anh. Sau 2 ngày ăn ở trong kho, anh cùng những người ở đây được một người Nga hối thúc lập tức rời đi vào lúc rạng sáng. Nhóm người Việt được dẫn đến một ngôi nhà hoang nằm sâu trong rừng sau nhiều giờ đi bộ. Có khoảng 20 người Việt cũng đang “ẩn nấp” tại đây từ nhiều ngày trước đó. Sau vài ngày, anh cùng 7 người khác được đưa lên một chiếc ô tô. Chiếc xe này sau khi lăn bánh được khoảng 3 tiếng thì tài xế yêu cầu tất cả xuống để tiếp tục vượt biên bằng đường rừng sang Ba Lan.
Vượt biên sang Anh: Cược cả mạng sống tìm cơ hội đổi đời

Người thân của anh L.V.H (xã Đô Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) lo lắng khi mất liên lạc hoàn toàn với anh H. từ ngày 22.10

Lần này cũng có 1 người Nga dẫn đường. Người này tịch thu điện thoại và hộ chiếu của anh và 7 người đi cùng. Cả nhóm phải đi bộ suốt 12 tiếng đồng hồ trong rừng mà không có thức ăn, nước uống mang theo. “Lúc đó là mùa hè. Leo bộ trên rừng nhiều giờ nên ai cũng đói và khát khô cả họng. Chúng tôi phải tìm các hố sâu còn sót lại nước bẩn, dùng áo thấm nước vắt uống. Uống xong thì lấy thuốc đau bụng thủ sẵn để uống nhằm đề phòng tiêu chảy. Có nhiều đoạn sình lầy nên mọi người phải vứt giày đi chân đất. Trên đường đi, nhiều người mệt quá lao vào bụi cây nằm nghỉ thì bị người dẫn đường đánh đập. Ai cũng sợ nên phải cố mà đi. Một người nhỏ tuổi nhất trong nhóm không chịu nổi nên lên cơn co giật và đã… bỏ mạng”, anh rùng mình nhớ lại.
Người dẫn đường lập tức báo tin vị trí để người trong đường dây đến đưa thi thể anh này quay về và yêu cầu những người còn lại tiếp tục di chuyển.

Nhiều lần “đi cỏ” sang Anh mới lọt

Anh này kể tiếp, sau nửa ngày đi bộ trong rừng thì cả nhóm cũng ra đến một con đường, ở đó đã có 3 chiếc ô tô đợi sẵn. 7 người nằm trong cốp sau của xe để tài xế chở vào Ba Lan. Nằm cốp xe nhiều giờ nên hơi nóng của động cơ bốc lên cực kỳ khổ sở, nhưng không ai được cựa quậy, mà chỉ biết cắn răng chịu đựng. Sau 4 tiếng di chuyển, tất cả được chuyển lên 1 chiếc ô tô nhiều chỗ ngồi hơn để đi qua Pháp. Mọi người không được ngồi trên ghế mà phải chui xuống dưới gầm để tránh cảnh sát phát hiện. Trên đường đi, tài xế dừng lại mua nước và bánh mì cho cả nhóm ăn uống ngay trên xe.
Đến Pháp, chiếc xe chở anh và nhóm người Việt đến một ngôi nhà ven rừng, tại đây có hơn 100 người từ nhiều nước khác nhau đang chờ để được đường dây đưa vào trốn trong các thùng xe container vượt biên sang Anh. Nếu người nào đi với chi phí thấp thì phải chấp nhận “đi cỏ”. Đường dây sẽ dẫn ra bãi tập kết xe container chở hàng từ Pháp qua Anh để người đi tự trốn vào thùng xe. Nhưng đi theo cách này thì tài xế dễ phát hiện và báo cho cảnh sát Pháp bắt giữ. Còn nếu “đi VIP” phải nộp chi phí cao hơn. Đường dây móc nối với tài xế container đông lạnh để chở người qua Anh. Đi cách này khi qua các trạm kiểm soát, máy móc rà nhiệt ít khi phát hiện ra.
“Đêm nào đường dây cũng đưa khoảng chục người ra bãi tập kết. Nhưng không phải ai cũng trót lọt, nhiều người phải bắt tàu quay về nơi trú ẩn. Tôi ở đây hơn 1 tháng mới được gọi đi. Tôi nộp chi phí thấp nên phải “đi cỏ”. Cả 3 lần đầu trốn trên xe container chở hàng điện tử tôi đều bị tài xế phát hiện rồi đuổi xuống, có lần tôi bị cảnh sát Pháp bắt giam, đưa ra tòa xét xử, giam ít ngày rồi họ lại thả ra”, anh nhớ lại.
Đến lần thứ 4, anh cùng với khoảng 10 người tiếp tục trốn trên thùng xe container chở hàng, sau khi qua phà và 9 cửa kiểm soát của Anh, nhóm của anh may mắn không bị cảnh sát phát hiện. Đoán gần đến London, anh cùng những người trốn trên xe dùng chân đạp vào thùng để gây tiếng động cho tài xế biết để mở cửa. Nhóm của anh ào xuống, bỏ chạy nhưng bị tài xế này báo cho cảnh sát Anh. “Nhiều người sau đó bị bắt, riêng tôi lao lên rừng trốn vào bụi rậm nên cảnh sát không tìm được. Khi họ rời đi, tôi bắt tàu đến khu vực người Việt ở Anh theo chỉ dẫn trước đó của đường dây. Chỉ khi đặt chân đến chỗ nhận mình vào làm, tôi mới biết mình đã sống sót”, anh nói.

Thu nhập không như “quảng cáo”

Theo anh, những người trốn qua Anh đa số xin vào làm ở nhà hàng ăn uống hoặc tiệm nail của người Việt. Thu nhập mỗi tháng cũng được mấy chục triệu đồng nhưng phải làm quần quật ngày 8 tiếng vô cùng cực khổ, không phải ẵm “bạc tỉ” nhanh chóng như những người môi giới trong đường dây vẽ ra. Thỉnh thoảng khi cảnh sát đến kiểm tra thì những lao động như anh phải lẩn trốn đi nơi khác, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị bắt.
Vì vậy, một số người Việt muốn kiếm tiền nhanh đã đi trồng cỏ (cần sa) trái phép cho người nước ngoài, có khi tháng được trả trên 100 triệu đồng. Những người này nếu bị cảnh sát bắt sẽ bị tống giam ngay lập tức. “Trồng cỏ luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Luôn phải nhốt mình trong nhà không được ra ngoài và phải tiếp xúc với nhiều hóa chất nên rất độc hại. Những người này luôn sống trong lo sợ vì cảnh sát có thể ập vào bắt giữ bất cứ lúc nào, có khi cũng bị cướp xông vào tấn công”, anh tâm sự.
“Thực sự tôi đã rất ân hận khi quyết định vượt biên. Những lúc chui rúc ở Pháp, ở Nga, tôi chỉ muốn quay về, nhưng giấy tờ, tiền bạc không còn, nên đành chấp nhận liều mình bước tiếp. Chưa kể, số tiền chi cho đường dây quá lớn, về thì lấy gì trả nợ, nên ai cũng đánh cược mạng sống để đến được “miền đất hứa”, hy vọng sớm kiếm tiền gửi về cho gia đình trả nợ và mong gia đình mình có cơ hội đổi đời. Chứ cái cảnh sống và làm việc bên này cũng cực lắm”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.