Vượt qua nghịch cảnh

01/03/2022 05:15 GMT+7

Dệt may là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 vì những nguồn cung nguyên liệu, hoạt động giao thương... bị đứt gãy.

Chính vì vậy mà người đứng đầu Tập đoàn dệt may VN gọi năm 2021 là năm “chưa từng có trong lịch sử” khi nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này, nhất là những đơn vị trú đóng tại TP.HCM buộc phải đóng cửa vì các quy định nghiêm ngặt của giãn cách xã hội.

Cùng với hệ lụy đó, hàng ngàn công nhân, người lao động ngành may nói riêng đã bị giảm giờ làm, mất việc. Mất đi nguồn sinh kế chính, đời sống của người lao động bị lung lay hơn bao giờ hết.

Sáng kiến tổ hợp may nhỏ tại nhà của chị Đoàn Thị Thi giúp tạo thêm thu nhập cho chị em công nhân

LÊ TRỌNG

Có lẽ vì hậu quả khốc liệt đó nên khi chứng kiến tinh thần “vượt qua nghịch cảnh” và tấm lòng dìu dắt bạn bè cùng đi qua khó khăn của chị Đoàn Thị Thi (công nhân may tại Q.12, nhân vật trong bài viết Nữ công nhân may với sáng kiến giúp nhiều chị em có thêm công ăn việc làm trên Thanh Niên), người viết thấy cảm phục.

Là mẹ đơn thân, chị Thi nuôi con nhỏ, đời sống cũng gặp nhiều vất vả vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Song song công việc của mình ở xưởng may, chị cũng bán thêm sữa để trang trải sinh hoạt. Điều quý ở người phụ nữ này, chính là tinh thần luôn tiến lên. Khi biết được nguồn hỗ trợ từ “Dự án Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng bởi Covid-19” (do Tổ chức CARE quốc tế VN và một số đơn vị như Trung tâm khuyết tật và phát triển, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng phối hợp thực hiện), chị Thi đã đệ đơn tham gia, với sáng kiến được giám khảo lựa chọn: lập một tổ hợp may nhỏ tại gia.

Với mức vốn hỗ trợ từ dự án là hơn 70 triệu đồng, chị Thi mua bốn cái máy may và một bàn ủi hơi nước; đặt tổ hợp may ở nhà người thân. Dẫu sáng kiến chưa ở mức quy mô, tầm cỡ nhưng hiệu quả đã được chứng minh. Nếu “ăn nên làm ra”, dự án này sẽ được mở rộng. Ý tưởng của chị Thi, cùng sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội là nguồn cảm hứng phấn đấu trong cuộc sống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các chị em công nhân, cùng nhau vượt qua đại dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.