VWS chọn công nghệ mới để bảo vệ môi trường

13/07/2022 10:23 GMT+7

Ngày 12.7, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện thường trực một số ủy ban và Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã đến làm việc, khảo sát thực địa về việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS.

Mong muốn triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An

Tại đây, ông David Dương, Tổng giám đốc VWS, đã giới thiệu quá trình hình thành, phát triển của VWS; trình bày về mô hình cấu tạo lớp lót đáy bãi chôn lấp Đa Phước cũng như quy trình xử lý, tái chế rác thải của công ty. Sau đó, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế, tìm hiểu quy trình xử lý rác thải.

Sau buổi thực tế, ông David Dương đã trả lời những câu hỏi đoàn đặt ra. Cụ thể, ông cho biết công suất tiếp nhận rác tại VWS là 10.000 tấn/ngày, hiện lượng rác trung bình đang tiếp nhận từ 6.000 - 6.500 tấn/ngày. “Chúng tôi trở về quê hương với tâm thế của người con xa quê muốn đóng góp, xây dựng quê nhà nên luôn chọn những công nghệ mới để ứng dụng vào quá trình làm việc. Bên cạnh hoạt động xử lý từng chủng loại rác phù hợp, tạo ra giá trị kinh tế…; quan điểm của chúng tôi là làm sao để bảo vệ môi trường, đem lại sức khỏe tốt cho người dân”, ông David Dương khẳng định.

Đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Công ty VWS ngày 12.7

Song Nguyễn

Đó cũng chính là lý do để ông David Dương mong muốn triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An. Theo ông David Dương, VWS thực hiện chủ trương của Chính phủ và là đơn vị được Bộ Xây dựng chọn là nhà đầu tư chính thức của dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An để xử lý rác cho TP.HCM, Long An và 8 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Đến nay, chúng tôi đang gặp khó khăn vướng mắc do quy trình thẩm định quy hoạch của tỉnh kéo dài. Chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi của tỉnh để tiếp tục triển khai dự án theo kế hoạch đã định”, ông David Dương nói.

Đồng thời, lãnh đạo VWS cũng nêu những khó khăn về chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy xử lý chất thải. Cụ thể, thành phần rác chưa qua phân loại tại nguồn có độ ẩm rất cao với rác sinh hoạt chiếm đến 80%, nếu sử dụng công nghệ đốt hoàn toàn sẽ tốn nhiều chi phí. Giá xử lý rác theo công nghệ đốt cao, chưa phù hợp với ngân sách và điều kiện kinh tế của TP.HCM hiện nay. Khó khăn cho nhà đầu tư lựa chọn công nghệ và hướng đầu tư phù hợp theo giá bán điện thấp và giá xử lý rác thấp phù hợp với nền kinh tế. Đốt rác phải chọn lựa công nghệ các nước tiên tiến để bảo đảm về nguồn khói thải về lâu dài, không gây ô nhiễm môi trường...

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VWS chia sẻ về mô hình chôn lấp rác đạt chuẩn

Ngoài ra, ông David Dương cho hay, hiện thành phố vẫn chưa thực hiện vành đai xanh cách ly 322 ha như đã cam kết trong hợp đồng; một số hộ dân thuộc dự án vành đai cây xanh cách ly đang sinh sống kế bên VWS; đoạn đường từ đại lộ Nguyễn Văn Linh dẫn vào VWS vẫn chưa mở rộng, không được phun xịt, rửa đường. Hệ thống phân loại và sản xuất phân compost đã được xây dựng hoàn tất cuối năm 2010 nhưng đến nay công tác phân loại tái chế và chế biến phân compost chưa được vận hành theo như kế hoạch…

Xử lý rác thải tại VWS là đạt chuẩn

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn, cho biết qua buổi làm việc, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và qua thực tế, đoàn thấy công ty về cơ bản đã chấp hành bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chuyển đổi công nghệ, đáp ứng các điều kiện, quy định mới của luật.

“Trong buổi làm việc hôm nay, có một số vấn đề chúng tôi sẽ nêu và trao đổi tại phiên làm việc với UBND TP.HCM. Đối với dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An, là đại biểu quốc hội của Long An, tôi sẽ có văn bản trả lời công ty trong thời gian sớm nhất. Qua thực tế tại nhiều địa phương, công tác xử lý rác thải tại VWS là mô hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải đạt chuẩn theo chất lượng bảo vệ môi trường”, ông Tuấn Anh đánh giá.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được xây dựng từ năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ 1.11.2007. Đây là dự án được hình thành và phát triển theo hình thức xã hội hóa. Ông David Dương, Việt kiều Mỹ, Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions, đã đầu tư dự án theo lời kêu gọi Việt kiều về nước tham gia xây dựng, phát triển đất nước của Chính phủ Việt Nam.

Hiện tại, dự án mỗi ngày tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 tấn rác cho TP.HCM, chiếm 75% tổng khối lượng rác của toàn thành phố. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.