Đây là vắc xin phòng ngừa Covid-19 thứ 3 được WHO phê duyệt khẩn cấp sau vắc xin của liên doanh Mỹ-Đức Pfizer/BioNTech và AstraZeneca (Anh-Thụy Điển). Đáng chú ý là vắc xin J&J chỉ cần tiêm 1 liều, theo Reuters.
WHO cho biết vắc xin J&J có thể được sử dụng ở tất cả quốc gia trên thế giới và sẽ được triển khai cho chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do WHO dẫn đầu.
"Mỗi công cụ mới, an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19 được phê duyệt là một bước tiến gần hơn để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, hy vọng từ những công cụ này sẽ không trở thành hiện thực nếu vắc xin không được cung cấp cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia", Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố ngày 12.3.
WHO sẽ triệu tập cuộc họp với một nhóm cố vấn chiến lược bao gồm các chuyên gia tiêm chủng vào tuần tới để đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng vắc xin J&J, ông Tedros nói thêm.
WHO cũng hoan nghênh vắc xin J&J chỉ tiêm 1 liều tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển và triển khai tiêm chủng.
Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward cho biết vắc xin J&J không cần dây chuyền bảo quản cực lạnh, tức có thể trữ trong tủ đông thông thường với nhiệt độ 2-8 độ C. COVAX đã đạt được một thỏa thuận để có hơn 500 triệu liều vắc xin J&J, ông Aylward cho biết.
Ông Paul Stoffels, phó chủ tịch kiêm nhà khoa học chính của J&J, cho Reuters biết công ty đã cam kết cung cấp 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 trên toàn cầu vào cuối năm 2021 và dự kiến sẽ sản xuất 3 tỉ liều vào năm tới.
Sau khi được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, hãng J&J phải cam kết cung cấp thêm dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả để có thể được cấp phép đầy đủ.
Bình luận (0)