WHO: tình hình COVID-19 nghiêm trọng ở châu Âu, nhưng có ‘dấu hiệu đáng khích lệ’

26/03/2020 21:00 GMT+7

Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết họ nhận thấy "những dấu hiệu đáng khích lệ" dù tình hình đại dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng với hơn 220.000 ca nhiễm ở châu lục này.

"Trong khi tình hình đại dịch COVID-19 ở châu Âu vẫn rất nghiêm trọng, chúng tôi bắt đầu thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ", giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, nói trong buổi họp báo ngày 26.3, theo AFP.
"Với số lượng ca nhiễm lẫn tử vong cao nhất trong khu vực, Ý vừa chứng kiến tỷ lệ ca nhiễm mới giảm trong 4 ngày liên tiếp nhờ vào chính phủ siết chặt lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng đại dịch đạt đỉnh tại quốc gia này", ông Kluge nói thêm.
Khi nhắc đến “dấu hiệu tích cực”, ông Kluge không đề cập đến tình trạng khủng hoảng tại các bệnh viện ở Anh và Tây Ban Nha do có quá nhiều bệnh nhân COVID-19.
Tây Ban Nha có số ca tử vong tăng lên hơn 4.000, vượt qua Trung Quốc đại lục. Nước này đang chứng kiến tình trạng nhiều bệnh nhân chết trong đơn độc và các bệnh viện không đáp ứng nỗi số lượng bệnh nhân ngày càng đông.

[VIDEO] Số người chết vì dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha đã "vượt mặt" Trung Quốc

Tại thủ đô Madrid, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Tây Ban Nha, chính quyền phải trưng dụng sân trượt băng làm nhà xác dã chiến.
“Nhiều đồng nghiệp đã khóc vì có những bệnh nhân COVID-19 chết trong đơn độc, không gặp được người thân lần cuối. Chúng tôi còn phải chứng kiến nhiều người có triệu chứng nhưng không được nhập viện do thiếu giường bệnh”, nam điều dưỡng Guillen del Barrio tại Bệnh viện Đại học Y dược La Paz ở thủ đô Madrid nói với AFP.
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 26.3 tuyên bố đã đạt thỏa thuận trị giá 432 triệu euro để mua vật tư y tế từ Trung Quốc, đồng thời kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 12.4.
Đến nay, châu Âu có hơn 220.000 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 và hơn 12.000 trường hợp tử vong, theo WHO.
Trên toàn thế giới, có hơn 22.000 người chết vì COVID-19 và hơn 480.000 ca nhiễm tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc đại lục cuối năm ngoái.
Giữa lúc đại dịch COVID-19 lan rộng khắp châu Âu, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để chống lại dịch bệnh, bao gồm lệnh phong tỏa và đóng cửa trường học, doanh nghiệp không cần thiết và biên giới, đồng thời cấm tụ họp đông người.
Theo ông Kluge, WHO và các quốc gia châu Âu sẽ sớm xác định được mức độ hiệu quả và tác động của những biện pháp này.
Tuy nhiên, ông Kluge cảnh báo các chính phủ và người dân châu Âu về "thực tế mới" và nên chuẩn bị ứng phó tác động lâu dài của đại dịch COVID-19. "Đây không phải là cuộc chạy đua nước rút chống đại dịch COVID-19, mà là một cuộc đua marathon", ông Kluge lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.