World Cup 2022 đến và cuộc sống bị xới tung

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
20/11/2022 08:22 GMT+7

Doha và cả đất nước Qatar đang dần không còn bình thường nữa, khi World Cup 2022 phả một không khí lạ lùng chưa từng có vào cuộc sống nơi đây.

Buổi đêm hôm qua, sau khi từ doanh trại đội tuyển Argentina trở về trung tâm, tôi chìm vào giữa dòng người cuồn cuộn trồi lên từ ga tàu điện Msheireb. Đây là một khu đô thị mới được phát triển, với nhiều trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn và bảo tàng. Ngày thường, nơi đây không quá đông đúc, không khí thập phần yên tĩnh khi ai cũng nói khẽ cười duyên. Nhưng lúc tôi trở về vào giữa khuya hôm ấy, Msheireb yên bình đã không còn nữa.

Nhịp sống đảo lộn

Những người phụ nữ truyền thống của Qatar bận áo dài đen che kín toàn thân (abayah) và khăn đen trùm đầu (shayla). Những người đàn ông Qatar đội khăn guthra hoặc mũ gahfiya, cùng áo dài trắng (thobe) pha trộn nét đông tây kim cổ: bên dưới thuôn như áo dài của người Ả Rập gợi về một quá khứ xa xưa, bên trên là cổ áo sơ mi tân thời không sai vào đâu được. Trong những bộ đồ như vậy, người Qatar vốn dĩ ít sôi nổi, nếu như không muốn nói là rất khẽ khàng, kín đáo.

Đám đông chờ tàu trước ga Souq Waqif; các ga ở trung tâm Doha bắt đầu trở nên quá tải

Thế rồi những kín đáo ấy đã bị cái không khí bóng đá hừng hực ào tới, hất tung lên. Các ga tàu điện ngầm ngày một đông hơn, hành khách đa dạng hơn, nói cười rổn rảng hơn, thậm chí còn bắt nhịp hát tập thể hoặc hô to những khẩu hiệu cổ vũ cho đội bóng nước mình. “Vamos, vamos, Argentina!”, “Allez less Bleus!”…

Vào hôm thứ sáu, ngày hội thánh (Al-Jumu’ah) linh thiêng của đạo Hồi, tàu điện ngầm tới 9 giờ sáng mới bắt đầu hoạt động. Ga Souq Waqif đông nghẹt hành khách thập phương. Những vị khách mới từ Ma Rốc lặn lội đến sau hành trình xuyên đêm mệt lử, kê ba lô lên tường rồi dựa lưng vào tranh thủ chợp mắt, vô tư ngáy vang như sư tử gầm. Những người Argentina vừa đến hát hò sôi nổi, kéo cả người Qatar vốn kín đáo và đầy bí ẩn trong những bộ áo dài truyền thống cùng tham gia cuộc vui. Rồi cả người Pháp, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan nữa. Đất nước Qatar vốn dĩ đã là một nơi chốn có công dân rất nhiều nước đến sinh sống, giờ đây tỷ lệ người ngoại quốc càng áp đảo hơn khi làn sóng CĐV bóng đá ập vào.

“Chưa bao giờ chợ Souq Waqif đông như thế. Chúng tôi rất vui khi bóng đá làm không khí ở đây sôi nổi hẳn lên. Nhưng càng vui hơn khi có thêm nhiều khách đến mua hàng”, anh Mohammed Aslam, một cư dân Ấn Độ bán đồ lưu niệm, chia sẻ với tôi. Thấy tôi lỉnh kỉnh máy móc, anh và người bạn tên Moidu bỏ cả cửa hàng chạy ra kêu tôi chụp hình cho bằng được bên lá cờ Brazil, “bởi tụi tôi hâm mộ Neymar”. Rồi các anh đi lên đi xuống dọc con phố nhỏ, đứng làm dáng trước các món đồ lưu niệm bắt tôi phải bấm máy liên tục. Tất nhiên sau mỗi lần như thế là lại đến màn lưu số điện thoại, kết nối với nhau qua ứng dụng WhatsApp để gửi hình. Ai cũng muốn lưu lại những thời khắc đáng nhớ lạ lùng này, điều chỉ đến một lần trong đời.

Mohammed Aslam (phải) và anh bạn Moidu háo hức chờ World Cup

Dòng người đến cuồn cuộn và ồn ào, xới tung cuộc sống thường nhật nơi đây. Và Doha đã bắt đầu cảm nhận được áp lực của sự quá tải. Nhiều đám đông dồn ứ trước các ga tàu điện, mất cả tiếng đồng hồ mới có thể vào được bên trong. Khách sạn kín chỗ. Trước các điểm ăn uống, người người rồng rắn xếp hàng. Quá 10 giờ đêm hôm nọ, tôi từ nơi tập luyện của tuyển Tây Ban Nha trên Trường đại học Qatar trở về, bụng đói cồn cào bèn tạt vào quán Zaitoon bán đồ Ấn bên lề đường Al Muthaf thuộc quận Al Salata. Không còn bất cứ bàn trống nào, tôi phải đặt đồ mang đi, cùng đứng chờ với gần 100 thực khách ở bên ngoài. Khoảng 60 phút sau, khi đã hoa mắt vì đói, tôi mới nhận được túi đồ ăn của mình.

“Chúc mừng anh!”, một chàng trai cùng cảnh ngộ đứng kế bên đùa khi thấy tôi, sau bao lần chạy ra chạy vào giục người phục vụ, rốt cuộc đã lấy được thứ cần lấy.

Và đấy là khi World Cup chưa khai mạc.

Sức kháng cự mãnh liệt

World Cup đến làm đảo lộn nhiều thứ trong đời sống ở Qatar. Nhưng không phải tất cả. Đất nước Hồi giáo bảo thủ này vẫn có những sự kháng cự đáng kể, theo cách buộc World Cup phải thay đổi để phù hợp với truyền thống và luật lệ của nơi đây. Người Qatar có thể tạm thời vui cười, sà vào chụp hình chung với các CĐV bóng đá Argentina mang theo cờ có in hình Messi. Người Qatar có thể hát lên cùng một nhóm CĐV Pháp điệp khúc “Allez les Bleus!”. Tuy nhiên, họ vẫn là những con người bí ẩn và đầy sức kháng cự trong những bộ thobe và abayah kín mít. Bảo họ “xõa đi, cùng nâng ly 1 - 2 - 3 dzô nào!” là điều bất khả, ngay cả chuyện để họ vô tình nhìn thấy cảnh nhậu nhẹt tưng bừng cũng đã là điều khó coi. Đấy là “lằn ranh đỏ”, không ai được bước qua.

CĐV Bồ Đào Nha kéo các cô gái Ả Rập vào không khí lễ hội

Đỗ Hùng

Vào chiều thứ sáu vừa rồi, trong một động thái quay ngoắt 180 độ, FIFA thông báo cấm đồ uống có cồn tại các địa điểm thi đấu. “Sau các cuộc trao đổi giữa nước chủ nhà và FIFA, một quyết định đã được đưa ra, theo đó việc bán đồ uống có cồn sẽ chỉ tập trung tại các điểm lễ hội CĐV (fanfest), điểm đến khác của người hâm mộ và địa điểm được cấp phép, tháo dỡ các điểm bán bia khỏi phạm vi các sân vận động World Cup 2022”.

Trong lịch sử World Cup, đồ uống có cồn từng bị cấm tại sân vận động. Nhưng từ giải đấu cách đây 20 năm tại Hàn Quốc và Nhật Bản, bia đã được bán xung quanh sân và ngay trên sân. CĐV vừa xem bóng đá, chốc chốc lại có thể chạy ra phía sau khán đài mua bia vào uống. Những người bán dạo có giấy phép thậm chí có thể tới tận chỗ ngồi của bạn trên khán đài để rót bia. Tất nhiên là bán bia của nhà tài trợ chính thức.

Mới 20 năm, chuyện nhậu nhẹt trên sân đã dần trở thành truyền thống, thành một phần khó tách rời trong các trận cầu. Nhưng truyền thống ấy đã bị đình chỉ trong giải đấu năm nay.

Đồ uống có cồn được kiểm soát rất chặt ở Qatar. Chỉ một số khách sạn hoặc cửa hàng có giấy phép đặc biệt mới được bán. Với World Cup 2022, trước đây ban tổ chức từng nói sẽ cho phép bán bia tại các địa điểm thi đấu, như truyền thống lâu nay, và tại các khu vực lễ hội CĐV. Với thông cáo mới nhất của FIFA, những khán giả đến sân xem bóng đá sẽ không còn cơ hội để nâng ly nữa. Chỉ có các ca bin hạng nhất (hospitality box) trong sân vận động mới được phục vụ đồ uống có cồn. Tất nhiên bởi là hạng nhất nên chỉ có một số rất ít khán giả mới được thưởng thức cái khoái cảm vừa nhâm nhi vừa xem đá bóng, khi mà mỗi ca bin ở đây có giá rẻ nhất cũng tương đương 550 triệu đồng/trận. Giá bia bán tại các điểm được phép cũng rất cao. Do đó, hẳn các CĐV sẽ khó mà có những giây phút lâng lâng khi xem đá bóng.

Nước chủ nhà có nhiều lý do để không tạo ra một ngoại lệ nào cho kỳ World Cup được tổ chức ngay giữa thế giới Ả Rập. Trong các trận đấu, hẳn sẽ có rất đông CĐV Hồi giáo Ả Rập vào sân. Việc nhìn thấy cảnh người ngoại quốc uống bia có lẽ là một trải nghiệm khá bứt rứt đối với họ. Vậy thì phải cấm thôi!

Những hạn chế ngặt nghèo ấy, cùng với các tranh cãi về ngược đãi người lao động, có lẽ đã khiến một bộ phận CĐV phương Tây, đặc biệt là châu Âu, không đến Qatar xem bóng đá. Đối với những người này, có lẽ giải bóng đá ở Qatar đã trở nên kém vui khi có quá nhiều hạn chế. Động thái “quay xe” vào phút chót của ban tổ chức liên quan đến chuyện bán bia cũng khiến nhiều người nghi ngại về sự chắc chắn của các cam kết khác.

Có xới tung, có kháng cự, có tranh cãi, có tẩy chay. Nhưng sau tất cả, World Cup rốt cuộc đã đến. Hãy gác lại tất cả để lăn cùng trái bóng thôi, suốt một tháng trời phía trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.