World Cup, nắng như nung và những nụ cười dịu mát

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
17/11/2022 08:31 GMT+7

'Vết thương của tôi đang lành, nhưng ở đây thời tiết nóng quá nên nó gây ra cảm giác rất khác', ngôi sao Son Heung-ming chia sẻ.

Ngôi sao số 1 của đội tuyển Hàn Quốc, và của cả châu Á, đã nói về vết thương trên mặt mình trong buổi họp báo vào trưa hôm qua (16.11), sau cữ tập vã mồ hôi trên sân cỏ khu phức hợp Al Egla, cách Doha 20 km về phía bắc. Phóng viên Hàn Quốc nêm chặt căn phòng họp báo dã chiến, chỉ có tôi, một nhà báo Uruguay và một nhà báo Bồ Đào Nha là người ngoài, thành ra cảm thấy đôi phần lạc lõng.

Đỗ Hùng từ Qatar: Son Heung-min mắt còn sưng, đeo mặt nạ chạy hùng hục dưới nắng

“Chị biết có ai nói tiếng Anh không? Tôi cần phỏng vấn”. Tôi bắt chuyện với một cô gái xinh đẹp. “Anh chờ tôi chút. Tôi thì không trả lời được vì tôi không phải nhà báo, tôi đi phụ việc thôi. Nhưng anh chờ chút”. Cô gái loay hoay tìm một chặp nhưng không kiếm ra người, vì tất cả đều đang bận tâm với sức khỏe của Son Heung-min, và cũng đang vật vã với cái nắng gay gắt buổi sáng bên sân tập.

Son Heung-min đeo mặt nạ tập luyện dưới nắng

Châu minh linh

Son Heung-min đeo mặt nạ

Son Heung-ming bay thẳng từ nước Anh tới Doha vào nửa đêm hôm trước và khoảng chừng 10 tiếng đồng hồ sau khi hạ cánh, anh đã có mặt trên sân. Trước đấy, vào đầu tháng 11, chân sút nổi tiếng xứ nhân sâm đã bị chấn thương trong trận đấu giữa Tottenham và Marseille ở Champions League. Tình trạng sức khỏe của anh phủ một màu lo âu lên những người Hàn Quốc có mặt quanh sân tập.

Vào 10 giờ sáng, dưới cái nắng như nung, những chàng trai Hàn Quốc tiến ra sân. Son mang mặt nạ đen đặc biệt làm từ sợi carbon rất nhẹ để bảo vệ mặt. Dù tập chung cùng đồng đội và tham gia trọn vẹn buổi tập, nhưng việc Son đeo mặt nạ bảo vệ và thời tiết nắng gay gắt tại Doha càng làm dậy lên mối lo về tình hình sức khỏe của anh.

Son Heung-min trả lời trong cuộc họp báo

châu minh linh

Trong buổi họp báo sau đó, Son đã giải đáp thắc mắc của các phóng viên về chiếc mặt nạ, về tình hình vết thương và tác động của thời tiết nắng nóng tới sức khỏe của anh.

“Tôi đã đeo chiếc mặt nạ này khi tập luyện cùng câu lạc bộ ở Anh. Tình trạng cũng như vậy, vết thương của tôi đang lành, nhưng ở đây thời tiết nóng quá nên cảm giác rất khác”, anh nói. Buổi sáng mà đội Hàn Quốc ra sân tập, nhiệt độ lên trên 32 độ C, nhưng cảm giác thật còn nóng hơn nữa. Đây là một sự bất lợi cho hầu hết các đội tuyển ở xứ lạnh, những nơi mà thời điểm này của năm đang bước vào mùa đông, đồng hồ sinh học của con người cũng quen với vòng quay ấy của nhiệt độ.

“Tôi đã tập ở câu lạc bộ, tôi chạy nước rút, nhìn chung là không có vấn đề gì cả. Nhưng dù sao thì cũng mới phẫu thuật có 10 ngày thôi, tôi cũng chưa thể đánh đầu như bình thường được”, Son chia sẻ, và anh nói rằng “dù chỉ có chưa đến 1% sức khỏe thì tôi cũng cố gắng”. Quan sát ở cự ly gần, có thể thấy mắt trái của ngôi sao Hàn Quốc vẫn còn sưng rất rõ.

Những công nhân trong nắng

Qatar đang ở trong thời điểm không khí dễ chịu nhất của năm. Nhưng với người ở xứ khác tới, đây vẫn là những ngày nắng cháy thịt da. Buổi sáng sớm hôm qua, khi vừa mới thức dậy, kéo rèm cửa sổ khách sạn Plaza Inn Doha, tôi đã thấy ánh nắng chói chang trên phố. Tôi rùng mình mường tượng chỉ một chút nữa thôi, chính tôi sẽ phải bước đi giữa cái nắng chói chang ấy.

Theo các kết quả nghiên cứu, nhiệt độ ở Doha hiện nay đã cao hơn so với 12 năm trước, khi Qatar được chọn đăng cai World Cup. Trung Đông cũng là vùng có nhiệt độ tăng cao nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Và nhiệt độ cao gây ra nhiều vấn đề còn lớn hơn cả việc nó ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn các trận đấu.

Các công nhân đang gấp rút hoàn thành công việc

châu minh linh

Trên quãng đường khoảng một cây số đến ga tàu điện ngầm Souq Waqif, tôi đi bộ, vẫy tay với những anh thợ xây Sri Lanka hoặc một vài người lao công Nepal. Họ là những người đã góp phần xây nên những con đường, nhà ga, sân vận động để đặc biệt phục vụ cho World Cup 2022. Nhiều thông tin cho biết không ít người trong số họ đã không có được cái may mắn sống đến ngày giải bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra trên bán đảo phồn vinh này, khi phải làm việc dưới cái nắng nung người, với điều kiện bảo hộ lao động kém.

Tại ga tàu điện ngầm Souq Waqif

châu minh linh

“Tôi đã ở đây 17 năm,” Reeyansh, một người đàn ông đến từ Sri Lanka, kể khi thấy tôi bắt chuyện và tôi bảo rằng mình từng đến Sri Lanka. “Tôi đã xây các công trình ở khu nhà ga Souq Waqif, nó đã đẹp hơn nhiều so với trước đây”. Tôi hỏi trời thế này có nóng không, Reeyansh đáp: “Hiện đang là thời điểm dễ chịu nhất của năm. Mùa hè còn kinh khủng hơn nữa”. Tôi không thể hình dung ra “kinh khủng” trong lời anh ta là như thế nào, vì lúc này với tôi thì đã nóng kinh khủng rồi.

Tôi bảo các anh đã giúp làm nên một World Cup hoành tráng, có lẽ hoành tráng nhất mà tôi từng chứng kiến, xét theo một số tiêu chí nào đó. Tôi từng đi qua nhà ga Qatar National Library (Thư viện Quốc gia) mênh mông như một thành phố và sạch như phòng phẫu thuật trong bệnh viện. Chính những công nhân nhem nhuốc như Reeyansh đã làm nên các công trình ấy. Và cũng chính câu chuyện về các công nhân làm việc trong điều kiện ngặt nghèo đã trở thành một đề tài tranh cãi của World Cup 2022. Nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đã kêu gọi tẩy chay giải đấu tại Qatar. Đội tuyển Hà Lan khi đến tham dự World Cup thậm chí đã tổ chức gặp gỡ các công nhân nhập cư ở đây để tìm hiểu đời sống của họ.

“Chúng tôi tới đây trước hết để tìm kiếm chức vô địch, nhưng chúng tôi còn muốn nhìn ra bên ngoài bóng đá”, huấn luyện viên Louis van Gaal chia sẻ.

Những nụ cười mát lành

Khi lên trung tâm báo chí chính ở Doha, tôi phàn nàn chuyện thời tiết với anh Moksh, một người Ấn Độ phụ trách mạng máy tính tới giúp tôi khắc phục lỗi “không tải được trang”. “Anh tin tôi đi, tôi đã ở đây 5 năm. Thời tiết sẽ dịu lại trong vài ngày nữa. Thông thường thì vào quãng này đã mát rồi, nhưng gần đây biến đổi khí hậu nên giờ còn nóng đấy”.

Trời nắng chói chang tại Doha

châu minh linh

Những ngày sau, khi tôi đi khắp Doha, trời vẫn nắng chang chang chưa biết bao giờ mới dịu mát như lời anh Moksh hứa hẹn. Thế nhưng, trong hành trình của mình, giữa cái bầu không khí ngột ngạt ấy, rất thường xuyên, tôi đã bắt gặp những nụ cười mát lành, những lời đề nghị giúp đỡ.

Buổi sáng đầu tiên khi đến Doha, tôi đã làm một vòng khắp các tuyến đường tàu điện ngầm để thăm thú và cũng để tính toán chuyện đi lại. Ở đấy, tình nguyện viên đã được rải đầy, bên cạnh lực lượng an ninh. Họ có mặt mọi nơi, có khi đông hơn cả hành khách. Và khi thấy tôi kéo chiếc ba lô có bánh xe, họ nhất định chỉ tôi đi về phía thang máy chứ không cho đi thang cuốn như phần đông những người khác. “Anh có hành lý nên đi lối này cho dễ”. Rất nhiều người bảo tôi như thế. Buổi đêm đầu tiên tới Doha, tôi loay hoay lạc mất đường về khách sạn, mà điện thoại thì hết pin không thể dò bản đồ. “Để tôi dẫn anh về”, một người đàn ông gốc Ấn đội kiểu khăn xếp của người Sikh đề nghị.

Một nhà hàng ở Doha gắn quốc kỳ của 32 nước dự World Cup 2022

châu minh linh

Trong lần đi lên trung tâm tập luyện của đội tuyển Hàn Quốc, tôi gặp chị Sheila, một phụ nữ Uganda đã qua Doha làm việc nhiều năm, phụ trách nhà ga tàu điện Energy City South (Thành phố Năng lượng phía nam). Từ nhà ga tới nơi tập luyện khoảng hai cây số, và sau khi cài ứng dụng Uber và gọi xe cho tôi không được, chị đã nhất quyết chở tôi đến tận nơi, “vì đợi xe lâu anh sẽ trễ công việc”.

Khi chia tay, Sheila dặn tôi: “Anh kiếm cái mũ mà đội nhé. Bảo vệ cái đầu để còn làm việc”.

Tất nhiên là tôi sẽ kiếm, để bảo vệ cái đầu khỏi nổ tung dưới ánh nắng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.