Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực, mà cụ thể là quy tụ người tài đang có nhiều khó khăn. Mà một trong các nguyên nhân là đảm bảo mức thu nhập phù hợp để giữ chân người tài. Bởi theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị, ngay cả khi sửa đổi quy định mức chi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của chủ nhiệm từ 26 lên 40 triệu đồng, nghiên cứu viên từ 8 lên 16 triệu đồng, thì những người hỗ trợ nghiên cứu chỉ có mức khoảng 6 - 8 triệu đồng là quá thấp so với mặt bằng vật giá ở TP.HCM.
Thực tế, khi so với mức chi trả thù lao ở khu vực tư nhân, thì mức chi dành cho chủ nhiệm, nghiên cứu viên như trên có vẻ chưa hấp dẫn nếu đó là những đề tài nghiên cứu quan trọng, cần nhiều thời gian, công sức.
Trong khi đó, cũng có một thực tế khác là nguồn lực ngân sách nhà nước có giới hạn và việc chi trả cũng khó linh hoạt như khu vực tư nhân. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn cho nhiều quốc gia chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Chính vì thế, mô hình xã hội hóa là một chọn lựa khả thi cho bài toán người tài trong nghiên cứu khoa học ở TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Xã hội hóa ở đây chính là tăng cường hợp tác với lĩnh vực tư. TP.HCM có thể điều chỉnh cơ chế phù hợp để đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ của TP thực hiện các đề án nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao, đặc biệt gắn liền với các bộ phận trong nền kinh tế, điển hình như các doanh nghiệp. Sự kết hợp này không chỉ giúp đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ hướng đến những nghiên cứu chất lượng, có tính thực tiễn cao mà qua đó còn thu hút nguồn lực đóng góp từ bộ phận tư nhân.
Mô hình này khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Thậm chí ở một số nước phát triển mà người viết từng đi qua, những tổ chức nghiên cứu phát triển độc lập đã "sống khỏe", hội tụ đội ngũ nhân sự hùng mạnh, có ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp mà còn cả các chính phủ. Khi có được ảnh hưởng, kéo được nhiều nguồn lực, kết hợp cùng môi trường làm việc hấp dẫn thì bài toán thu hút người tài sẽ được giải quyết.
Tất nhiên, để cách thức xã hội hóa trên hiệu quả, các cơ quan liên quan cần phải đưa ra những biện pháp phù hợp, đảm bảo cơ chế có tính cởi mở cũng đồng thời kiểm soát những rủi ro về xung đột lợi ích, cân bằng quyền lợi công - tư trong các chương trình hợp tác nghiên cứu.
Chúng ta hay nói với nhau "có thực mới vực được đạo" và những người tài cũng khó đứng ngoài nguyên tắc này. Chính vì thế, để giải quyết hiệu quả bài toán thu hút người tài thì trước nhất phải đảm bảo được thu nhập và cơ chế làm việc cho người tài.
Bình luận (0)