Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định ngành GD-ĐT TP xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT của TP. Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Công nghệ thông tin và truyền thông hiện được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lý giáo dục, có thể kể đến như phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên; Hệ thống khảo sát, trắc nghiệm trực tuyến; Phần mềm xếp thời khóa biểu…
Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn |
đào ngọc thạch |
“Ngành giáo dục TP xác định một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đó là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Thực hiện tốt các quy định hiện hành trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số. Tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục...”, tiến sĩ Hiếu phát biểu.
Tham gia hội thảo bằng kết nối trực tuyến, ông Cristóbal Cobo, chuyên gia giáo dục cao cấp, thành viên chính của nhóm công nghệ giáo dục toàn cầu và bà Marie-Helene Cloutier, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới đã sử dụng bộ chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục của Ngân hàng Thế giới để phân tích các chính sách, thực tiễn hệ sinh thái giáo dục TP.HCM. Theo đó, từ dữ liệu được thu thập qua khảo sát trường học, 2 chuyên gia phân tích hệ sinh thái giáo dục TP.HCM theo 6 trụ cột là quản lý trường học, giáo viên, học sinh, thiết bị, kết nối, tài nguyên số. Từ đó, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị, TP.HCM sẽ thành công hơn nếu lập kế hoạch, sửa đổi và cải thiện tính thống nhất và đảm bảo chất lượng của chiến lược công nghệ giáo dục, đặt giáo viên và học sinh làm trung tâm, đồng thời ưu tiên mua, phân phối và sử dụng hiệu quả các thiết bị số trong trường học.
Chiến lược công nghệ giáo dục cũng sẽ phát huy hiệu quả nếu được xây dựng dựa trên thế mạnh của quản lý trường học hiện có để hỗ trợ việc lập kế hoạch, triển khai và giám sát các chính sách công nghệ giáo dục, cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên số, cải thiện chất lượng kết nối internet trong trường học, đặc biệt quan tâm đến các cấp học thấp hơn, tiếp tục các giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...
Bình luận (0)