Xăng giảm mạnh, giá hàng hóa có 'hạ nhiệt'?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/05/2023 05:16 GMT+7

Trong 3 tuần qua, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang kỳ vọng giá hàng hóa, dịch vụ, vận tải… sẽ sớm giảm theo.

Xăng về ngưỡng thấp nhất trong gần 2 năm

Chiều qua (11.5), giá các mặt hàng xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp, mức giảm với xăng là hơn 1.300 đồng/lít, dầu diesel 600 đồng/lít. Sau khi giảm, xăng E5 RON92 về 20.130 đồng/lít, xăng RON 95-III về mốc 21.000 đồng/lít, dầu diesel còn 17.653 đồng/lít. Giá xăng đang về mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua (từ tháng 9.2021). Như vậy, trong 20 ngày (tính từ 21.4 đến nay), xăng có 3 lần giảm giá với tổng mức giảm hơn 3.000 đồng/lít. Trên thế giới, cập nhật đến 16 giờ ngày 11.5 (theo giờ VN), trên trang MarketWatch, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giảm hơn 10% trong 1 tháng qua và giảm hơn 28% so cùng thời điểm này năm ngoái.

Xăng giảm mạnh, giá hàng hóa có 'hạ nhiệt' ? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng kỳ vọng giá hàng hóa giảm sau khi xăng giảm mạnh 3 lần liên tiếp

NGỌC THẮNG

Giá nhiên liệu giảm mạnh sẽ là cơ hội để giá hàng hóa, dịch vụ vận tải trong thời gian tới giảm theo?

Ông Nguyễn Phúc Lâm, chủ nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu, lắc đầu nói: "Chưa đâu, giá xăng dầu giảm đâu mươi bữa nửa tháng lại tăng ngay thôi, nên chưa tính được gì cả. Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày một lần. Lần này giảm, lần sau tăng, ai mà điều chỉnh giá theo kịp. Thường giá vé được điều chỉnh vào dịp gần cuối năm hoặc giữa năm. Năm nay chưa điều chỉnh lần nào, vẫn giữ mức vé 190.000 đồng/khách trong gần 2 năm qua".

Với sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, cho biết công ty sẵn sàng giao tận nhà dù chỉ mua 1 ký bún với giá 22.000 đồng, mục đích là mang bún tươi đến tận tay người mua nhanh nhất, ngon nhất. "Giá xăng dầu giảm hy vọng chi phí vận tải sẽ giảm chút đỉnh. Tuy nhiên, nếu giữ được giá thấp thời gian dài mới tính toán được. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào làm bún chủ yếu là gạo. Giá gạo mới tác động chính đến giá bún và nhiều mặt hàng sợi khô khác", bà Bính cho biết.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng doanh nghiệp và người dân đang chịu đựng mức giá xăng từ 20.000 - 22.000 đồng/lít, nay giá về 20.000 - 21.000 đồng/lít là thấy "nhẹ nhõm" hơn nhiều. "Giá xăng dầu đã về ngưỡng chấp nhận được của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giá này có ổn định hay biến động thì cần chờ thêm thời gian", ông Phú nói.

Một số dự báo cho thấy giá xăng dầu thế giới đang có dấu hiện chững lại dưới mốc 80 USD/thùng. Còn theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), giá hàng hóa toàn cầu sẽ giảm khoảng 21% trong năm nay, sau khi tăng kỷ lục lên đỉnh điểm vào tháng 6.2022. WB đánh giá giá hàng hóa đã giảm 32%, mức giảm sâu nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tính đến cuối quý 1/2023, giá hàng hóa thế giới giảm 14% so với đầu năm và giảm gần 30% so với mức đỉnh tháng 6.2022. Tuy nhiên, mặt trái của giá hàng hóa giảm, theo phân tích của chuyên gia, là sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các quốc gia đã và đang phát triển, trong đó có VN. WB dự báo giá năng lượng có thể giảm sâu với mức giảm khoảng 26% trong năm nay, sau đó nhích nhẹ không quá 0,1% trong năm 2024.

Giá hàng hóa, dịch vụ vẫn khó hạ nhiệt

Những con số trên dấy lên kỳ vọng giá hàng hóa, dịch vụ vận tải trong nước có cơ hội giảm trong thời gian tới. Thế nhưng các chuyên gia giá cả, thương mại đều tỏ ra khá thận trọng. Nhiều ý kiến cho rằng chưa vội lạc quan về cơ hội mua hàng hóa, dịch vụ giá rẻ nhờ xăng rẻ.

Ông Vũ Vinh Phú phân tích: "Mức giá xăng thấp như hiện nay nếu giữ được ổn định từ 1 quý trở lên mới mong giá cả hàng hóa có sự thay đổi đáng kể. Lúc này rất khó để nói đây là cơ hội cho giá hàng hóa, dịch vụ hạ nhiệt. Rõ ràng giá xăng dầu thấp khiến nền kinh tế bớt chút gánh nặng chi phí đầu vào nhưng chưa nên lạc quan sớm. Lý do là nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu vẫn chưa hết căng thẳng. Một số quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã cắt giảm sản lượng tự nguyện từ đầu tháng 5 này, lại đang "dọa" sẽ giữ mức cắt giảm trong tháng 6. Nếu nhu cầu đi lại trong những tháng hè tăng, chắc chắn giá xăng dầu có biến động tăng. Thế nên, xăng giảm 1 tháng hay hơn lúc này thì giá cước vận tải, hàng hóa chưa có sự "nhúc nhích" như mong đợi", ông Vũ Vinh Phú chia sẻ và lưu ý thêm giá cả hàng hóa thường có độ trễ đến cả quý, thậm chí 2 quý, nên giá xăng giảm 3.000 đồng/lít lúc này chưa tác động đến giá cả hàng hóa trong quý 2.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đề nghị: Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu phải sớm được ban hành, trong đó đầu tiên phải giao được quyền tự quyết giá cho doanh nghiệp, lời ăn lỗ chịu. Thứ 2, chỉ đưa về một cơ quan quản lý xăng dầu là Bộ Công thương, tập trung quản lý chất lượng, gian lận thương mại, hàng giả, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Thứ 3, bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền của người tiêu dùng. Nhà nước phải đầu tư kho dự trữ để có thể can thiệp cho thị trường khi biến động. Kho dự trữ do một công ty quản lý vốn nhà nước quản lý, tự chủ, tự hạch toán, với một người giỏi, am hiểu thị trường đứng đầu để tính toán khi giá thấp mua vào, cao bán ra…

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nhận xét mức giảm hơn 3.000 đồng/lít xăng trong 3 tuần là khá cao, tương đương giảm hơn 15%. Tuy nhiên, giá xăng dầu phụ thuộc giá thế giới, trong khi thị trường nhiên liệu toàn cầu vẫn đầy biến động. 

Ông Long lưu ý: "Chỉ có thể nói giá xăng dầu giảm là một trong các yếu tố tác động, tạo điều kiện cho giá hàng hóa, dịch vụ sớm giảm. Nhưng giảm thật sự là rất khó bởi giá cả hàng hóa liên quan đến nhiều đầu vào khác. Chưa kể giá điện vừa tăng 3%, thế nên hàng hóa neo ở mức giá hiện tại đã là may rồi. Trong thực tế, hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp sản xuất gặp nhiểu khó khăn, hàng tồn, ngồi không thì ăn dần vào vốn. Giá xăng dầu giảm nhưng không có ai mua hàng, tồn kho thì lấy gì mà đổ xăng dầu giá rẻ để đi? Hơn nữa, theo dõi giá nhiên liệu thế giới cho thấy thị trường từng kỳ vọng lớn vào sức phục hồi của Trung Quốc, nên giá tăng mạnh trong thời gian đầu. Nay hết tháng 4, thực tế cho thấy tình hình khá khó khăn, Trung Quốc không phục hồi kinh tế như kỳ vọng, nguồn cung dầu giảm tốc, giá dầu thế giới khó giảm sâu nữa".

Ngoài ra, góp ý thêm cho thị trường xăng dầu, ông Vũ Vinh Phú nhắc lại yếu tố "thiếu ổn định", "tính toán giá cơ sở chưa hợp lý" là một số lý do khiến thị trường xăng dầu chưa bình ổn để doanh nghiệp, người tiêu dùng yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đó cũng chính là lý do mà xăng giảm, hàng hóa chưa chắc giảm theo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.