Xáo trộn vì dịch Covid-19: Nỗi khổ nhịn ho, tìm chỗ gửi con

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/02/2020 20:36 GMT+7

Dịch Covid-19 đang âm ỉ gây xáo trộn nhịp sống thường nhật của người dân ở nhiều nơi. Đà Nẵng, trung tâm du lịch và nơi có mật độ dân cư đông đúc, cũng không ngoại lệ…

Nỗi khổ nhịn… ho

Cả phòng họp đang tập trung lắng nghe người chủ trì triển khai công tác chống dịch Covid-19. Ở một góc phòng, có tiếng ho bật lên. Giữa không gian lặng như tờ, người không kìm được tiếng ho phút chốc hứng tia nhìn ái ngại từ nhiều phía… Chuyện như thế vẫn thường xảy ra tại nhiều cơ quan, công sở ở Đà Nẵng nhiều ngày qua.
Các chuyên gia y tế đã chỉ rõ nếu bị nhiễm vi rút nCoV sẽ có các triệu chứng sốt, chảy mũi, ho… Trong những ngày mà đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về Covid-19, có lẽ ai cũng “nằm lòng” những triệu chứng này để tự bảo vệ mình. Nhiều người hài hước bảo cách giải tán đám đông hiệu quả nhất trong thời điểm này là chỉ cần… ho.
“Cái thời buổi mà chỉ cần ho xíu là đám đông nhìn vào. Khổ nhất là mấy anh viêm mũi dị ứng”, anh N.K viết trên tài khoản Facebook cá nhân. Anh H.L., lãnh đạo một doanh nghiệp tại Đà Nẵng, cho biết chiều 5.2, khi đang dự cuộc họp với ngành du lịch, vì không nhịn nổi cơn ho nên anh đã phải chạy ra ngoài hành lang, để tránh bị hiểu lầm…
Vùng an toàn mà phụ huynh nghĩ đến chính là cho con cái “tản cư” về quê… Nhiều vùng quê chẳng mấy chốc mà đông con trẻ, cứ như kỳ nghỉ hè sớm
 
Nhà thờ Con Gà đóng cửa, khách chụp hình từ bên ngoài hàng rào

Nhà thờ Con Gà đóng cửa, khách chụp hình từ bên ngoài hàng rào

Tại Đà Nẵng, tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Quốc Toản, khu vực chợ Hàn, nhà thờ Con Gà… vốn là những địa điểm dập dìu du khách vào bất cứ ngày nào trong tuần. Nay, những điểm này vắng hoe. Covid-19 đã “đóng băng” hoàn toàn khách Trung Quốc – thị trường lớn thứ nhì của ngành du lịch Đà Nẵng. Cảnh tượng du khách đeo khẩu trang để check in điểm đến đã trở nên quen mắt.
Ở một số khu vực dân cư tập trung đông, tình hình “phản vệ” có dấu hiệu ngưược lại. Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), kể khi cán bộ phường phối hợp với ngành chức năng xuống tuyên truyền tại các khu vực chung cư trên địa bàn, nhiều hộ dân không có tiền mua khẩu trang.
“Nhiều người nói họ chỉ nghe loáng thoáng về dịch bệnh chứ không hiểu gì nhiều. Khẩu trang thì tăng giá, nên khi mua thì không còn tiền để… ăn sáng”, ông Hải kể. Phần vì hoàn cảnh, phần có thể tinh thần ứng phó của nhiều cư dân chưa mạnh mẽ, nên ông Hải đã kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp và mua hàng ngàn khẩu trang giúp người nghèo.

Khổ như tìm chỗ gửi con

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như nhiều địa phương khác, Đà Nẵng đã cho học sinh nghỉ học hết tháng 2. Rắc rối cũng nảy sinh sau quãng thời gian học sinh không đến trường. Nhận thông báo hơi đột ngột, nhiều phụ huynh… chới với, vợ chồng tự “cắt cử” người để chăm con vì không kịp tìm chỗ gửi.
Nhiều chung cư bỗng chốc rộn ràng tiếng con trẻ, trông chẳng khác gì nhà trẻ. Trong khi đó, phụ huynh có con nhỏ lại xoay xở, có không ít vợ chồng trẻ cáu ó với nhau vì… buộc phải nghỉ việc để trông con.
Phụ huynh “gom” trẻ em thành nhóm để chăm sóc

Phụ huynh “gom” trẻ em thành nhóm để chăm sóc

Chị H., một phụ huynh có con nhỏ, đã ứa nước mắt khi “lệnh” nghỉ học có hiệu lực, trường mầm non đóng cửa. Gia đình nội ngoại hai bên đều ở xa.
“Về quê ăn tết, mẹ chồng hay tin Đà Nẵng đang quyết liệt chống dịch đã bảo cứ để cháu lại cho bà chăm. Vì thương nhớ con nên tôi quyết đưa cháu vào theo, cho đi nhà trẻ. Nhưng rồi trường đóng cửa…”, chị H. nói. Nhờ người nhà vào chăm con nhưng “thời hạn” cũng chỉ được 1 tuần, lại phải tính tiếp, kể cả phương án đưa con đến công ty dù công ty cũng là chỗ “đông người”.
Nhiều gia đình có con lớn hơn có thể nhẹ nhõm hơn vì con có thể tự lo cho mình được. Vùng an toàn mà phụ huynh nghĩ đến chính là cho con cái “tản cư” về quê... Nhiều vùng quê chẳng mấy chốc mà đông con trẻ, cứ như kỳ nghỉ hè sớm... Cái khó ló cái khôn, trong dịch bệnh, các phụ huynh còn nghĩ ra cách gom trẻ con lại thành nhóm rồi các bà mẹ thay phiên nhau chăm sóc, vừa có thời gian đi làm mà cũng đảm bảo không phải nghỉ nhiều ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.