Xấu hổ từ 'cửa ngõ quốc gia'

Mai Hà
Mai Hà
20/02/2019 05:07 GMT+7

Nguyên Đại sứ VN tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn chia sẻ chỉ 4 tháng vừa qua, ông đã có 3 chiếc vali bị hỏng, vỡ, 1 thùng đồ bị dập nát hoàn toàn, trong đó riêng dịp trước và sau tết đã bị vỡ 2 vali và 1 thùng đồ khi di chuyển chặng Jakarta - Hà Nội và khứ hồi Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, khi quá cảnh tại Tân Sơn Nhất hôm 11.2, ông đã nhìn thấy cảnh tượng “không có tại bất kỳ sân bay nào trên thế giới”: Vài nhóm nhỏ du khách nước ngoài vẻ mặt lo lắng chia nhau từng nắm túi ni lông để chia nhỏ gói đồ, rồi quấn cả vali trong bọc ni lông dày cộp. Cùng với nỗi xấu hổ, đại sứ này cũng lo ngại những hệ lụy từ thói xấu ngay tại các sân bay có thể khiến du khách một đi không trở lại VN.
Trước đó không lâu, một nữ ca sĩ nổi tiếng cũng phàn nàn trên trang cá nhân về việc hành lý của chồng bị thất lạc trên chuyến bay của VNA và đối tác hàng không Garuda (Indonesia) từ Jakarta đến Tân Sơn Nhất.
Câu chuyện hành khách bị rạch hành lý, bị ném vỡ vali, mất tài sản từng được xem là nỗi “xấu hổ” của cả ngành hàng không những năm 2014 - 2015 và đã tạm thời lắng xuống khi lãnh đạo Bộ GTVT giai đoạn đó yêu cầu siết chặt lại từ biện pháp giám sát đến khâu tuyển dụng nhân viên bốc xếp.
Nhưng sau những biện pháp quyết liệt nhất thời, đây đó lại rộ lên những câu chuyện đầy bức xúc của hành khách về hành lý bị rạch, bị thất lạc, thậm chí bị mất đồ. Những mảng tối chỉ lộ ra khi một nhân viên bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất trộm điện thoại trong vali hành khách trong hầm hàng, bị công an bắt giữ khi đang tuồn hàng ra tiêu thụ. Hay 2 nhân viên bốc xếp bị sân bay Đà Nẵng kỷ luật, 2 nhân viên khác bị một hãng hàng không sa thải vì “ném lia lịa” hành lý hành khách.
Để đối phó với nạn mất cắp hành lý dịp tết, sân bay Tân Sơn Nhất đã lắp hệ thống camera an ninh di động từ khu vực máy bay vào băng chuyền. Rõ ràng với động thái trên, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất biết rõ vấn nạn này, song cách thức xử lý dường như mới mang tính “đối phó” nhiều hơn đi vào những giải pháp triệt để.
Trong khi đó, không quá khó để học hỏi văn hóa xếp dỡ vali nhẹ nhàng, trân trọng của nhân viên hàng không Nhật, hay cách thức quản lý an ninh hiệu quả từ Trung Quốc như lắp camera khắp nơi, để chính hành khách nhìn được vali của mình vận chuyển từ container lên máy bay hay ra băng chuyền.
Bài học những năm 2014 - 2015 cho thấy, nếu thực sự quyết tâm, hoàn toàn có thể dẹp được nạn trộm cắp hành lý tại sân bay. Vấn đề của Tân Sơn Nhất cũng như nhiều sân bay tại VN có lẽ chỉ đơn giản là muốn làm hay không.
Sân bay chính là “cửa ngõ quốc gia”. Những nỗ lực của Chính phủ kéo du khách đến VN nhiều hơn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, khi những ấn tượng không đẹp đến ngay từ cửa ngõ, khi ngay cả người VN cũng đang phải đắn đo, lo ngại khi sử dụng dịch vụ của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.