Song, điều mà họ mong muốn ở Đảng, Nhà nước là một thể chế chính sách nhất quán, môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng. Chính phủ cần đặt niềm tin nhiều hơn, cho phép tư nhân tham gia “sân chơi”, dự án lớn hơn của đất nước.
Kinh doanh liêm chính, khát vọng dân tộc
|
Gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, theo ông Nguyễn Văn Bình kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi. Riêng trong hai năm 2017 - 2018, có 258.134 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới và 60.458 DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại kinh doanh; số DN thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỉ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỉ đồng vốn tăng thêm). Tầm quan trọng của kinh tế tư nhân càng được khẳng định khi đã đóng góp 42,1% GDP, chiếm 38,2% tổng thu ngân sách, vượt khu vực đầu tư nước ngoài và vượt 9% khu vực DN nhà nước. Khu vực này sử dụng 83,3% lao động trên 15 tuổi, tương đương 45,2 triệu người.
Song điều mà Nghị quyết T.Ư 10 mang lại được Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh là “tâm lý của nhân dân và tinh thần của doanh nhân, cộng đồng DN được tăng lên, củng cố lòng tin và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Tại phiên khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ghi nhận vai trò, kết quả rất ấn tượng của lực lượng kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, điều mà Thủ tướng mong muốn, kỳ vọng ở tinh thần và khát vọng dân tộc của mỗi DN tư nhân. Thủ tướng cho rằng, mỗi doanh nhân cần phải có chí tiến thủ, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có; phải xông xáo, tìm kiếm nắm bắt được các cơ hội. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới quản trị và tổ chức.
Bên cạnh đó, các doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng. “Chúng ta phải có tinh thần yêu nước, khát vọng dân tộc và đạo đức kinh doanh. Đối với VN, ở vào giai đoạn phát triển trung bình mỗi doanh nhân càng cần thêm lòng yêu nước, ý thức làm cho dân giàu nước mạnh. Các DN tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng cạnh tranh trên thế giới. Góp phần làm cho hình ảnh nước ta sáng chói trên trường quốc tế”, Thủ tướng đề nghị.
|
DN tư nhân muốn làm những việc lớn hơn nữa
Với thông điệp đó của Thủ tướng, phiên đối thoại diễn ra cởi mở, thẳng thắn và chất lượng. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc điểm lại quá trình phát triển, đóng góp của DN tư nhân như cỗ máy tạo việc làm, đóng góp lớn vào GDP, ngân sách và khẳng định khu vực này cùng với các hộ cá thể, người dân... sẽ trở thành rường cột của nền kinh tế. Mục tiêu năm 2020 VN có 1 triệu DN, nhưng ông Lộc cho rằng vấn đề không phải ở số lượng mà là chất lượng. Muốn có chất thì DN phải tăng được năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, ứng dụng công nghệ cao.
tin liên quan
VinFast kiến nghị 5 điểm để phát triển kinh tế tư nhânÔng Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, mong muốn Thủ tướng, Chính phủ có niềm tin hơn nữa với giới doanh nhân; việc trốn thuế, lách thuế chỉ là một bộ phận thiểu số, còn lại các doanh nhân luôn muốn kinh doanh, lao động chân chính. “Khi lãnh đạo cấp cao tin tưởng giới doanh nhân thì chính sách, chủ trương sẽ thông thoáng hơn, còn không tin tưởng sẽ bị siết lại”, ông Đặng Hồng Anh nói. Vẫn theo doanh nhân này, cộng đồng DN tư nhân trẻ phản ánh, nhiều dự án lớn của quốc gia hầu hết Chính phủ đều muốn các đối tác nước ngoài vì họ có nhiều kinh nghiệm, vốn lớn. “Tuy nhiên thời điểm hiện nay đã khác, chúng tôi cũng đã bàn với nhau khi cần thiết sẽ lập một nhóm khoảng hơn 10 DN để cùng liên kết làm các dự án lớn. Đơn cử như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khi liên kết lại vốn hàng trăm nghìn tỉ đồng cũng sẵn sàng có thể triển khai và làm tốt”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, khi tổng hợp kiến nghị của các DN tư nhân lưu ý, tất cả đều ghi nhận dấu ấn chuyển mình rõ nét về chính phủ điện tử, môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đầu tư trên trải thảm dưới rải đinh. “DN tư nhân muốn làm những việc lớn hơn nữa. Họ muốn làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành. Nếu được giao họ cam kết sẽ không mất 30 năm mà đâu đó chỉ khoảng 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ trước Chính phủ”, ông Bình nói.
Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup, đưa ra 5 kiến nghị. Thứ nhất là nhà nước cần có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật. Thứ hai là tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển trong thời đại công nghệ bùng nổ. Tiếp đó là tạo điều kiện mở rộng mạng lưới đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực đội ngũ Việt kiều, đưa người tài về VN làm việc. Đồng thời phải mạnh mẽ trong chính sách thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và cuối cùng là thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ.
"Chìa khóa" để DN tư nhân phát triển
|
Nhấn mạnh hơn tới “chìa khóa” để phát triển DN tư nhân trong phiên đối thoại, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn như “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
tin liên quan
'Nếu được giao, doanh nghiệp tư nhân chỉ mất 10 năm làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam'!Được “khích lệ” là được nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các DN làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. “Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho DN tư nhân phát triển bình đẳng.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định, kết quả đạt được nêu trên của khu vực kinh tế tư nhân mới chỉ là bước đầu. Trong khi đó, nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục; nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 10 chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ và chưa mang lại sự chuyển biến, hiệu quả rõ rệt trên thực tế.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 10, Trưởng ban Kinh tế T.Ư đề nghị, đối với Đảng đoàn Quốc hội cần tiếp tục lãnh đạo bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên các dự án luật trực tiếp hỗ trợ đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các doanh nhân, tiếp tục tích cực, chủ động phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và hiến kế, nhất là tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho phát triển kinh tế tư nhân. Năm 2019 và những năm tiếp theo, khu vực kinh tế tư nhân cần tạo sự phát triển bứt phá hơn nữa.
Bình luận (0)