Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển, chấn hưng văn hóa Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/08/2022 06:48 GMT+7

Nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của đạo đức, văn hóa xã hội hiện nay.

Chiều 10.8, chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, đại biểu (ĐB) Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội và đề nghị bộ trưởng cho biết xu hướng việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới. Nhiều ĐB đề nghị Bộ trưởng Hùng nêu các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của đạo đức, văn hóa xã hội hiện nay.

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đánh giá của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp”. “Như vậy, chúng ta thấy là có mặt đang xuống cấp chứ không phải xuống cấp ở cấp nào. Tôi nói nguyên văn trong Nghị quyết của Đại hội như vậy”, ông nhấn mạnh. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp cho thấy cần phải đầu tư, xem xét, tiến hành các giải pháp đồng bộ.

“Vấn đề xây dựng văn hóa là một công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa con người và xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người để thực hiện nhiệm vụ này, cho nên phải là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi chúng ta hình thành được một môi trường gia đình, môi trường nhà trường và môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chắc chắn sẽ có con người văn hóa và sẽ hạn chế được mặt xuống cấp của đạo đức xã hội”, ông nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VH-TT-DL đã báo cáo Chính phủ và các lãnh đạo chủ chốt về xây dựng chương trình tổng thể về phát triển, chấn hưng văn hóa Việt Nam. “Hiện, chúng tôi đã trình Chính phủ và mong muốn nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì coi như được hiểu đây là một chương trình giống như một chương trình mục tiêu quốc gia với 6 nhóm đề án để có điều kiện giải quyết những bài toán nghẽn của ngành văn hóa”, ông Hùng nói.

Du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa

Một nhóm vấn đề được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL là giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cho rằng, để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì nhân lực là yếu tố hàng đầu, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp đối với nhân lực ngành du lịch, nhất là sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển sang ngành khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Ông cho rằng cần đánh giá toàn diện về nguồn nhân lực du lịch. Trước mắt, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo, công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. “Căn cơ hơn, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch, nhất là nhân lực cấp cao, quản trị du lịch, lao động ngành nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo; chú ý liên kết đào tạo”, ông nói.

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu tình trạng “đồng phục hóa” khi nơi nào cũng đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết

Bộ VH-TT-DL đang hướng đến 2 việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. “Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa”, ông nói và đề nghị làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không để khách chỉ đến một lần cho biết.

Nghiên cứu cho phép cá cược thể thao

Tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh việc nghị định Chính phủ về cá cược thể thao ban hành từ năm 2017 nhưng tới nay không biết vì lý do gì không triển khai được, trong khi vừa qua, công an xử lý nhiều vụ cá cược bóng đá trên mạng.

Tham gia giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngay sau Nghị định 06 năm 2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Nghị định 06 quy định đấu thầu lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra kinh doanh đặt cược nên “vướng” luật Đấu thầu vì luật chỉ có đấu thầu dự án chứ không có đấu thầu doanh nghiệp. “Thủ tướng giao sửa lại Nghị định 06. Chúng tôi đã sửa và trình từ tháng 2.2022”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung để ban hành mới nghị định về cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó và phát triển ngành nghề dịch vụ này để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, cá cược trái phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.