Xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

01/05/2022 05:54 GMT+7

Bộ Y tế cho biết, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin đã thống nhất việc tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng, giúp tăng cường miễn dịch phòng bệnh.

Theo đó, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp). Vắc xin sử dụng tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do AstraZeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3. Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 cần trì hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng nêu trên.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM

Ngọc Dương

Theo Bộ Y tế, mũi 4 vắc xin Covid-19 là mũi tiêm tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) và liều nhắc lại (mũi 3). Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung (đủ 3 mũi) thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết cả nước đã tiêm 215 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, 17,4 triệu liều tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi; 1,4 triệu liều tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong quý 2 này, các địa phương hoàn thành tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa nhiễm SARS-CoV-2 cơ bản xong mũi 1 và mũi 2 để quý 3 các cháu bước vào năm học mới.

* Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày 16.4 đến nay, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 232.100 trẻ. Đã có 5.857 trẻ hoãn tiêm và 629 trẻ được chuyển viện tiêm. Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống Covid-19. Từ ngày 30.4 - 3.5, TP.HCM sẽ không triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.

Liên quan bệnh sốt xuất huyết (SXH), theo báo cáo giám sát dữ liệu SXH các tỉnh thành phía nam của Viện Pasteur TP.HCM, tính từ đầu năm đến tuần 16 của năm 2022, số ca SXH giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Một số tỉnh, thành phố nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ SXH nặng gồm: Khu vực Đông Nam bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang). Theo dự báo, từ tháng 5 trở đi, dịch SXH có nguy cơ tăng cao tại TP.HCM. Theo dự báo của chuyên gia bệnh truyền nhiễm, không loại trừ năm 2022 có dịch SXH theo chu kỳ tại VN.

Tại TP.HCM, tính đến giữa tháng 4.2022 đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Sở Y tế TP.HCM nhận định đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm SXH bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. Hiện TP.HCM cũng đã có 2 trường hợp tử vong vì SXH, nguyên nhân tử vong là bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.